Hoạt động

Báo cáo nghiên cứu “Liên kết giữa tiểu điền và doanh nghiệp trong chuỗi cung mủ và gỗ cao su” do VRA phối hợp Forest Trends và RRIV thực hiện

19/07/2021

 


 

 NGHIÊN CỨU

 LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM CAO SU TIỂU ĐIỀN: 

THỰC TRẠNG VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI SẢN XUẤT CAO SU BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
  
1.   Giới thiệu

        Ngành cao su hiện là một trong những ngành nông lâm công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Các mặt hàng đầu ra của ngành bao gồm (1) cao su thiên nhiên, (2) sản phẩm cao su, (3) gỗ cao su và các mặt hàng được làm từ loại gỗ này . Cả 3 nhóm mặt hàng này chủ yếu là để xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2020, giá trị xuất khẩu của ba nhóm mặt hàng này đạt gần 7,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2,38 tỷ USD (30,3%), các mặt hàng từ gỗ cao su đạt 2,36 tỷ USD (30,1%) và nhóm sản phẩm cao su đạt trên 3,11 tỷ USD (39,6%). 

Khoảng gần 80% lượng mủ khai thác trong nước được xuất khẩu dạng nguyên liệu cao su thiên nhiên; phần trên 20% được đưa vào chế biến tạo sản phẩm như lốp xe, găng tay, phụ kiện, đế giày, băng tải… để xuất khẩu và sử dụng trong nước. Cao su thiên nhiên từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu tới trên 80 nước. Các sản phẩm cao su sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 170 thị trường. Lượng cung gỗ cao su nội địa cũng lớn, bình quân khoảng 5,5 triệu m3/năm. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng tạo các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tiêu thụ nội địa về cao su thiên nhiên và gỗ cao su ít hơn so với xuất khẩu nhưng nhìn chung cũng đang ở mức cao và đang tiếp tục mở rộng .
Việt Nam hiện có khoảng 926.000 ha cao su, bao gồm cả đại điền (chủ yếu là các công ty Nhà nước) và tiểu điền. Cao su tiểu điền, bao gồm cao su thiên nhiên và gỗ, có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung cao su của Việt Nam. Hiện Việt Nam có khoảng 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, với diện tích 479.600 ha, tương đương 51% trong tổng diện tích cao su cả nước. Khoảng 426.000 ha trong diện tích cao su tiểu điều đang trong giai đoạn cạo mủ, với lượng cung mủ trên 732.000 tấn mủ quy khô mỗi năm. Lượng cung này chiếm gần 62% tổng lượng mủ được khai thác trên toàn diện tích cao su cả nước (cả đại điền và tiểu điền) năm 2019. Trong cùng năm, nguồn gỗ từ các vườn cao su tiểu điền thanh lý đạt khoảng 1,3 triệu m3quy tròn, tương đương 22% tổng lượng cung gỗ cao su toàn quốc.
Dù có vai trò ngày càng lớn đối với các chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su, thông tin về chuỗi cung nói chung đặc biệt là các mối liên kết tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su tiểu điền với các cá nhân/tổ chức tiếp theo trong chuỗi cung hiện còn đang rất thiếu. Thông tin về cách thức vận hành của các liên kết, hình thức tổ chức mạng lưới thu mua, giá cả và cách thức xác định giá cả, chất lượng và cơ chế kiểm soát sản phẩm, hình thức thoả thuận mua bán, vấn đề cạnh tranh trong thu mua giữa các bên, vai trò của chính quyền địa phương, cơ chế chính sách có liên quan tới vận hành của liên kết… đến nay rất hạn chế. Bên cạnh đó, hiện chưa có các thông tin về vai trò, thuận lợi và khó khăn của các bên khi tham gia liên kết này. 
Ngành cao su đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Hội nhập đồng nghĩa với bên tham gia chuỗi cung, bao gồm các hộ tiểu điền hiện đang trực tiếp cung cấp mủ và gỗ cao su cho các chuỗi cung toàn cầu này cần tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ngày càng có nhiều thị trường yêu cầu các sản phẩm từ mủ và gỗ cao su được sản xuất theo phương thức bền vững, có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp. Thiếu các thông tin từ các khâu trong chuỗi cung, bao gồm thông tin về liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua đồng nghĩa với việc không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Điều này không những làm mất cơ hội cho hộ và các doanh nghiệp tham gia tiếp cận thị trường mà còn tạo ra các rủi ro cho ngành cao su Việt Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu thực trạng của liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua, tập trung vào các khía cạnh thông tin nêu trên. Nghiên cứu tập trung vào 2 nhóm sản phẩm từ các hộ tiểu điền, bao gồm mủ cao su và gỗ cao su. Thông tin từ nghiên cứu nhằm góp phần làm rõ các chuỗi cung toàn cầu đối với các sản phẩm cao su có nguồn gốc từ Việt Nam, và cung cấp cơ sở cho các đề xuất chính sách và giải pháp thúc đẩy liên kết bền vững, hướng tới phát triển bền vững của cao su tiểu điền.
  2.  Mục tiêu nghiên cứu 

          Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm hiểu về mối liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua, với trọng tâm là 2 nhóm sản phẩm là mủ và gỗ cao su từ hộ. Các mục tiêu chi tiết của nghiên cứu bao gồm:

- Mô tả bức tranh thực trạng của liên kết giữa các hộ trồng cao su và các đơn vị thu mua đối với 2 nhóm sản phẩm. Các khía cạnh của bức tranh này bao gồm tổ chức và vận hành mạng lưới thu mua, phương thức thanh toán, giá cả, chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm;
- Đánh giá về vai trò cũng như thuận lợi và khó khăn của các bên khi tham gia liên kết, bao gồm cả vai trò của chính quyền địa phương;
- Tìm hiểu về các cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến các hoạt động trong liên kết và vai trò của các cơ chế chính sách này;
- Đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy liên kết bền vững, đáp ứng các quy định và xu hướng mới của thị trường xuất khẩu và trong nước, hướng tới sản xuất bền vững.
  3.  Phương pháp nghiên cứu 

          3.1 Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu tập trung vào các bên liên quan như sau:
-  Nhóm hộ gia đình trồng cao su tiểu điền cung mủ và gỗ cao su,
-  Tư thương mua mủ và gỗ cao su trực tiếp từ hộ, 
-  Công ty nhà nước và tư nhân mua mủ và gỗ cao su trực tiếp từ hộ, và từ các tư thương/đại lý (hay công ty nhà nước/tư nhân khác), 
-  Cán bộ sở ban ngành liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương.
-  Cán bộ quản lý và tổ chức đoàn thể địa phương: lãnh đạo xã, cán bộ tín dụng xã, đại diện tổ xã hội-nghề nghiệp (Hội Nông dân), trưởng thôn.
3.2 Phương pháp và phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp, sử dụng số liệu thứ cấp (báo cáo, số liệu thống kê sẵn có) và thu thập số liệu sơ cấp thông qua phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và quan sát trực tiếp. 
Nghiên cứu được tiến hành tại ba vùng sinh thái, nơi những nơi có diện tích cao su tiểu điền lớn, là Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Mỗi vùng chọn một tỉnh để tổ chức khảo sát thu thập thông tin, bao gồm:
-  Vùng Đông Nam Bộ: tỉnh Bình Phước (có DT cao su tiểu điền lớn nhất trong vùng cũng như cả nước - 146.200 ha),
-  Vùng Bắc Trung Bộ: tỉnh Quảng Trị (có DT cao su tiểu điền lớn nhất trong vùng - 14.600 ha),
-  Vùng Tây Nguyên: Kon Tum (29.100 ha) hoặc Gia Lai (22.000 ha) (có DT cao su tiểu điền lớn nhất và nhì trong vùng). 
  (*Ghi chú: Việc khảo sát tại vùng Tây Nguyên chỉ được thực hiện trong trường hợp số liệu thu thập từ hai vùng Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ có sự khác nhau mang đặc trưng theo vùng sinh thái.)

          3.3 Đối tượng và số lượng cung cấp thông tin tại mỗi tỉnh: 

-  Hộ dân đang trồng cao su tiểu điền đã cho thu hoạch mủ và đã từng tái canh (có thu nhập từ gỗ cao su sau chu kỳ thu hoạch mủ): mỗi tỉnh phỏng vấn sâu 10-12 hộ; thảo luận nhóm (5-6 người/nhóm) trồng cao su tiểu điền,
-  Cán bộ thôn bản: mỗi tỉnh phỏng vấn sâu 2-3 người,
-  Lãnh đạo xã, cán bộ tín dụng xã, đại diện tổ chức đoàn thể cấp xã: mỗi tỉnh phỏng vấn sâu 5-6 người,
-  Tư thương /Đại lý thu mua mủ và gỗ cao su trực tiếp từ hộ tiểu điền: mỗi tỉnh phỏng vấn sâu 4-5 thương lái/đại lý, 
-  Lãnh đạo công ty tư nhân thu mua mủ và gỗ cao su trực tiếp từ hộ tiểu điền và từ tư thương/đại lý (hoặc từ công ty nhà nước/tư nhân khác): mỗi tỉnh phỏng vấn sâu 3-4 công ty,
- Lãnh đạo công ty nhà nước thu mua mủ và gỗ cao su trực tiếp từ hộ tiểu điền và từ tư thương/đại lý (hoặc từ công ty nhà nước/tư nhân khác): mỗi tỉnh phỏng vấn sâu 3-4 công ty,
-  Lãnh đạo sở, ban ngành có liên quan (về cơ chế chính sách liên quan đến vận hành của chuỗi cung): mỗi tỉnh 2-3 đơn vị.
  4.  Sản phẩm nghiên cứu

            Sản phẩm của nghiên cứu là 3 báo cáo: Báo cáo 1 đi vào một số khía cạnh tổng quan về ngành, bao gồm khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; Báo cáo 2 và 3 tập trung vào cao su tiểu điền, đặc biệt nhìn vào mối liên kết giữa hộ và các bên liên quan trong việc tiêu thụ sản phẩm từ hộ.

       - Báo cáo 3: Liên kết tiêu thụ gỗ cao su từ hộ tiểu điền: Thực trạng và một số khía cạnh chính sách



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>