Hoạt động

Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với NEPCon tổ chức Hội thảo “Giới thiệu về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su Việt Nam”

18/01/2016

 Ngày 14/10/2015, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã phối hợp với NEPCon tổ chức hội thảo “Giới thiệu về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su Việt Nam” nhằm cập nhật thông tin và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp ngành cao su về các vấn đề liên quan đến tính bền vững và các quy định pháp luật về gỗ để vận dụng cho gỗ cao su. 


NEPCon là một tổ chức phi lợi nhuận, có văn phòng tại Anh, Ai-len và văn phòng đại diện tại Hà Nội. NEPCon hoạt động trong các lĩnh vực chính bao gồm lâm nghiệp bền vững, pháp lý gỗ, giảm phát thải, nông nghiệp bền vững. Hiện nay, NEPCon được giao thực hiện Dự án kéo dài 3 năm tại Việt Nam về “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự và các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực hiện các yêu cầu của FLEGT” nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực cho ngành công nghiệp gỗ trong nước về việc cung cấp gỗ hợp pháp.

Sau khi giới thiệu tổng quan về NEPCon, ông Michael Jakobsen – Chuyên gia Pháp lý của NEPCon – đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về Quy chế Gỗ của EU (EUTR) nhằm đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm gỗ khi xuất khẩu vào thị trường EU. Để đáp ứng được yêu cầu này, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm giải trình đối với khách hàng bằng cách hiểu biết về chuỗi cung ứng, đánh giá rủi ro giữa các nhà cung cấp và thực hiện giảm thiểu rủi ro, bao gồm rủi ro vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý rừng và vận hành khai thác; rủi ro vi phạm pháp luật trong thương mại và vận chuyển nguyên liệu; rủi ro trộn lẫn nguyên liệu bất hợp pháp trên suốt chuỗi cung ứng. Ông cho biết dù EUTR có khung pháp lý chung cho toàn bộ 28 nước trong khu vực EU, tuy nhiên có thể có sự khác nhau về pháp luật giữa các nước thành viên và NEPCon có thể hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này. Việc đáp ứng được các yêu cầu của EUTR sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam khi vào thị trường EU.
Trong khi đó, bà Ann Weddle – Quản lý Dự án và đánh giá viên của NEPCon – cho biết Việt Nam và EU hiện đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) với mục tiêu ngăn chặn nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp trên toàn cầu. Bà cho biết Dự án 3 năm (từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2017) của NEPCon tại Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực của các tổ chức trung gian như hiệp hội gỗ, các tổ chức phi chính phủ, người đứng đầu các làng nghề chế biến gỗ, chuyên gia tư vấn độc lập, doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ trong ngành gỗ Việt Nam về thực hiện hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, tuân thủ các yêu cầu của FLEGT. Các mục tiêu trên được thực hiện bằng cách mời gọi sự tham gia của các bên liên quan, xác định rủi ro pháp lý trong chuỗi cung ứng, phát triển bộ công cụ để giảm thiểu rủi ro pháp lý, xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức.
Tại Hội thảo, TS. Trần Thị Thúy Hoa – Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su VN (VRA) - cho biết gỗ cao su là nguồn thu bổ sung quan trọng cho người trồng cao su sau 20 năm thu hoạch mủ, giá trị gỗ cao su khi thanh lý mang lại cho người trồng khoảng từ 100 – 140 triệu đồng/ha, đây cũng là nguồn vốn để tái canh và phát triển diện tích mới khi cần. Theo diện tích cây cao su đã trồng từ năm 1981 đến nay, cao su đến thời kỳ thanh lý trồng lại từ năm 2016 đến 2040 sẽ khoảng từ 15.000 – 30.000 ha mỗi năm. Lượng gỗ cao su cung cấp ra thị trường có thể đạt 3 – 9 triệu m³ gỗ tròn/năm, đây là nguồn nguyên liệu rất quan trọng trong chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ cao su xuất khẩu. Hiện nay, giá cao su đang xuống thấp, một phần do cung vượt quá cầu. vì thế, đây là lúc thích hợp để tái canh vườn cao su già cỗi nhằm giảm nguồn cung cao su và có thể tác động giúp giá cao su tăng trở lại.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Thanh Danh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>