Hoạt động

Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng ngành cao su trong tình hình mới”

15/01/2020

Ngày 06/12/2019, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức Hội thảo “Triển vọng ngành cao su trong tình hình mới” trong khuôn khổ của sự kiện Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu và Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam năm 2019. 


Các diễn giả tại Hội thảo gồm có ông Jom Jacob – Chuyên gia kinh tế cao cấp Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC); ông Salvatore Pinizzotto – Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG); ông Michael Gill, Giám đốc điều hành Công ty Thương mại quốc tế Lốp xe và Cao su Cooper, Thành viên của Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR); ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA và Tiến sĩ Trần Toàn Thắng – Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp Trung tâm Thông tin & Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (TT&DB KTXH QG). Ngoài ra, Hội thảo còn có sự góp mặt của các cơ quan đại diện bộ ngành, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan trong ngành cao su.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, nhận định Hội thảo “Triển vọng ngành cao su trong tình hình mới” là diễn đàn chuyên ngành để các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành cao su trực tiếp trao đổi, thảo luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề quan tâm.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo “Triển vọng ngành cao su trong tình hình mới”
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng cung cấp những phân tích, đánh giá về tổng quan thị trường, tình hình và triển vọng ngành cao su thế giới năm 2020, cập nhật thông tin về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và những tác động đối với ngành cao su toàn cầu cũng như các vấn đề trong phát triển bền vững và hội nhập giai đoạn mới.
Đến từ Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) – ông Jom Jacob, chuyên gia kinh tế cao cấp đã trình bày báo cáo về triển vọng ngành cao su thế giới năm 2020. Dựa trên tình hình sản lượng, tiêu thụ cao su thiên nhiên trong năm 2019 kết hợp với các yếu tố khác như triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới được cập nhật gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Jom đã dự báo cung cầu cao su thiên nhiên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2020, với sản lượng nhỉnh hơn so với nhu cầu.
Toàn cảnh Hội thảo
Bên cạnh các vấn đề cơ bản như cung cầu cao su thiên nhiên, trong năm 2019 vừa qua, tình hình căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã có những tác động đáng kể đối với ngành. Trình bày tại Hội thảo, ông Salvatore Pinizzotto – Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) cho biết Trung Quốc là động lực chính của tiêu thụ và thương mại cao su thiên nhiên toàn cầu và một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai quốc gia tiêu thụ cao su và sản phẩm cao su lớn nhất sẽ có nhiều hàm ý ở các mức độ khác nhau đối với ngành cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp trên toàn thế giới. Các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su, đặc biệt là cơ sở sản xuất lốp xe từ Trung Quốc, đã dịch chuyển sang các nước sản xuất cao su thiên nhiên ở Đông Nam Á như là cơ sở sản xuất thay thế có chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận với nguồn nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, rủi ro tiềm ẩn của cuộc chiến thương mại là việc lan tỏa các tác động do tâm lý thị trường đối với việc tăng thuế và kết quả là đã gây ảnh hưởng đến mức GDP toàn cầu.
Đi đôi với việc gia tăng thương mại toàn cầu cần có sự kết hợp của phát triển bền vững, đây là giá trị mà toàn thế giới nói chung cũng như toàn ngành cao su nói riêng đang hướng tới. Ông Michael Gill, Giám đốc điều hành Công ty Thương mại quốc tế Lốp xe và Cao su Cooper, Thành viên của Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR), đã giới thiệu về tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức này trong thực thi bền vững chuỗi giá trị cao su thiên nhiên đến các doanh nghiệp cao su Việt Nam tại Hội thảo nhằm hướng đến những lợi ích phục vụ cho quá trình sản xuất và thương mại của mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng cao su trên toàn cầu.
Tiếp nối chủ đề này, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA cũng đã nêu lên định hướng phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam và kế hoạch hành động của VRA. Đối với ngành hàng cao su thiên nhiên, định hướng của Chính phủ Việt Nam là giữ ổn định diện tích cao su ở mức 900 – 950 ngàn ha; khuyến khích đầu tư phát triển trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su trong mối liên kết chuỗi cũng như phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ANRPC để điều tiết lượng cung cao su thiên nhiên phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của thế giới,… Còn đối với ngành gỗ (bao gồm cả gỗ cao su), cần đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; xây dựng hệ thống thông tin điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ về thông tin thị trường, các quy định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia; đẩy nhanh việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận song phương, đa phương về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ với các nước nhập khẩu trên thế giới… Bên cạnh đó, đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính phủ, VRA cũng đưa ra các kế hoạch hành động trong phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam như: phát triển Thương hiệu ngành thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” đối với cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su; hỗ trợ các bên liên quan về thực hiện phát triển bền vững bằng việc xây dựng 3 tài liệu hướng dẫn quản lý rừng bền vững; tăng cường cung cấp thông tin thị trường thông qua các ấn phẩm, các tài liệu hội thảo, hội nghị, tập huấn…; và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực trạng của ngành nhằm có cơ sở đề xuất giải pháp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cao su phát triển bền vững.
Về vấn đề hội nhập và các ảnh hưởng đến ngành cao su Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng – Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp – Trung tâm TT&DB KTXH QG đã đưa ra những tác động thiết thực khi Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) với các nước và khu vực trên thế giới. Bên cạnh các yếu tố tích cực mà FTAs mang lại như có sự chuyển hướng, gia tăng xuất nhập khẩu; cải thiện chuỗi cung ứng, kích thích tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư; bảo hộ trí tuệ; nâng cao năng lực cạnh tranh thì cũng có những tác động trái chiều như sự không đồng đều giữa các ngành trong tạo lập thương mại; đầu tư gia tăng dẫn đến khai thác quá mức tài nguyên môi trường; và tạo sức ép trong cải thiện công nghệ. TS. Trần Toàn Thắng cũng cho biết thêm, thuế quan nhập khẩu của các đối tác sẽ được cắt giảm nhanh theo các FTAs, tuy nhiên đối với cao su và sản phẩm cao su không phải là ngành được hưởng lợi lớn từ các hiệp định do dư địa khai thác CPTPP và EVFTA còn nhiều. Ngoài ra, Nhà nước vẫn đang cố gắng bảo hộ sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến của ngành cao su thông qua lộ trình cắt giảm thuế chậm giúp cho nhu cầu chuyển dịch sớm để tránh sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>