Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

HOÀN THÀNH DỰ ÁN "THÚC ĐẨY SỰ TUÂN THỦ HỆ THỐNG BẢO ĐẢM GỖ HỢP PHÁP VNTLAS) TRONG NGÀNH CAO SU VIỆT NAM"

21/09/2021

Với mục tiêu hỗ trợ các hộ tiểu điền doanh nghiệp (DN) ngành cao su nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và sự ủng hộ của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam ”. Dự án được thực hiện trong 12 tháng, từ tháng 7/2020 đến 7/2021, cùng sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm.


Một số hoạt động tiêu biểu của Dự án

Xác định chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam (Tháng 11 – 12/2020)
Hoạt động này tập trung vào nghiên cứu, đánh giá toàn diện về ngành gỗ cao su Việt Nam thông qua thu thập những số liệu, thông tin có sẵn và thực hiện khảo sát thực địa tại 10 xã thuộc 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Đây là các địa phương có diện tích cao su tương đối lớn trong khu vực với nhiều hộ tiểu điền hiện đang trồng cao su và đặc biệt đã thanh lý gỗ. Nội dung khảo sát chủ yếu xoay quanh tình hình phát triển cây cao su, các giấy tờ pháp lý đối với diện tích đất trồng cao su, hình thức mua bán mủ và gỗ thanh lý, những khó khăn và nhu cầu được hỗ trợ. Ngoài ra, Dự án còn làm việc trực tiếp với các lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Chi cục kiểm lâm... của hai tỉnh nhằm thu thập các thông tin các chính sách hỗ trợ đối với cao su tiểu điền và chủ trương việc phát triển cao su tại địa phương.
Qua đó, chuỗi cung ứng gỗ cao su Việt Nam nhìn chung đã được xác định. Gỗ cao su từ vườn cây của hộ tiểu điền, thông qua hệ thống thương lái, đến cơ sở sơ chế gỗ và cuối cùng là nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ. Hầu hết các hộ tiểu điền tham gia khảo sát đều tự chủ trong việc quyết định thời điểm thanh lý vườn cây và bên thu mua tùy theo giá bán. Bên cạnh đó, sự hiểu biết và quan tâm của các hộ tiểu điền và các bên liên quan trong chuỗi cung về việc truy xuất nguồn gốc gỗ cao su vẫn còn rất hạn chế. Ngoài ra, đối với các cơ quan quản lý tại địa phương cũng gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ về VNTLAS khi chưa có cơ sở hướng dẫn cụ thể để tiến hành thủ tục xác minh.
Đánh giá sự tuân thủ yêu cầu của Hệ thống VNTLAS trong chuỗi cung ứng gỗ cao su tại tỉnh Bình Dương và Tây Ninh (Tháng 01/2021)
VRA cũng thực hiện khảo sát 2 chuỗi cung ứng gỗ cao su cụ thể tại Bình Dương và Tây Ninh nhằm đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong các bên tham gia chuỗi. Theo đó, Dự án đã làm việc với các công ty chế biến gỗ trên địa bàn, bao gồm cả DN nhà nước và tư nhân. Chuỗi cung ứng gỗ cao su của các công ty nhà nước có lợi thế là kế hoạch thu hoạch gỗ cao su cụ thể   và theo diện tích lớn, chất lượng ổn định nhờ vườn cây được chăm sóc tốt. Đặc biệt, các công ty có quy trình vận hành DN và hệ thống quản lý hồ sơ giúp các mắt xích trong chuỗi được rút gọn và có thể truy xuất nguồn gốc thông qua các chứng từ, chứng nhận hợp lệ. Trong trường hợp thực hiện thu mua gỗ cao su tiểu điền (chiếm số lượng ít), DN cũng có đội ngũ thu mua riêng giúp quá trình thu mua được thực hiện minh bạch, rõ ràng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN nhà nước khi thực hiện tuân thủ các quy định của VNTLAS.
Trong khi đó, các DN chế biến gỗ cao su tư nhân có xu hướng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của VNTLAS do DN thường thiếu thông tin về các quy định của pháp luật, đặc   biệt nhiều DN chưa từng biết đến Nghị định số 102/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, do nguồn vốn có hạn và năng lực cạnh tranh yếu, DN tư nhân thường thu mua phần lớn gỗ cao su nguyên liệu thông qua các thương lái thu gom từ các hộ tiểu điền với diện tích nhỏ lẻ và chất lượng không đồng đều. Tuy nhiên, việc thanh lý thường được thực hiện tự phát, thiếu các chứng từ hợp pháp do thông qua nhiều trung gian trước khi đến nhà máy chế biến gỗ. Qua khảo sát cho thấy việc mua bán gỗ thường được thực hiện giữa hộ tiểu điền và thương lái thông qua thỏa thuận miệng (không có hợp đồng bằng văn bản), giao dịch bằng tiền mặt, và chưa có yêu cầu các chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Chỉ một số hộ tiểu điền được yêu cầu xác minh diện tích thanh lý thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND phường, xã xác nhận. Đây là một khó khăn cho chuỗi cung ứng trong việc đáp ứng tuân thủ VNTLAS. Ngoài ra, thông qua gặp gỡ với các Hạt Kiểm lâm – một mắt xích đóng vai trò trong việc thực thi VNTLAS – trên địa bàn, Dự án cũng đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 102 do thiếu cơ sở hướng dẫn để tiến hành thủ tục xác minh trước khi xuất khẩu đối với gỗ cao su.
Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về báo cáo từ các khảo sát (Tháng 3/2021)
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ thông tin và kết quả khảo sát từ 2 hoạt động đầu tiên của Dự án. Đồng thời, thu thập các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tham vấn các bên liên quan nhằm góp phần hoàn thiện nội dung và đề xuất, kiến nghị những giải pháp hỗ trợ cho các hộ cao su tiểu điền và DN ngành cao su nâng cao khả năng tuân thủ VNTLAS, tạo nền tảng phát triển Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp dành riêng cho ngành cao su với sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng gỗ.
Xây dựng bộ hồ sơ gỗ hợp pháp tiêu chuẩn cho ngành cao su Việt Nam (Tháng 3 – 6/2021)
Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp tiêu chuẩn cho ngành cao su Việt Nam (Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp) được phát triển từ các yêu cầu của VNTLAS và quy định của Việt Nam, là cơ sở để cá nhân và tổ chức trồng, chế biến, kinh doanh gỗ cao su thực hiện trách nhiệm giải trình khi cần thiết. Vì vậy, Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp được kỳ vọng sẽ là tài liệu hướng dẫn người bán trong chuỗi cung ứng cung cấp đầy đủ thông tin và bằng chứng nhằm chứng minh sự phù hợp của nguyên liệu gỗ với các yêu cầu của VNTLAS cũng như giúp cho bên mua đánh giá rủi ro về nguyên liệu gỗ. Đồng thời, Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp cũng so sánh và phân tích hồ sơ tiêu chuẩn theo quy định VPA/FLEGT và hồ sơ lưu tại một số công ty thực hiện khảo sát, từ đó đưa ra kiến nghị bổ sung, điều chỉnh để xây dựng Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp phù hợp.
Trước khi xây dựng Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp, Dự án đã tham vấn với Dự án HAWA DDS nhằm lắng nghe những kinh nghiệm từ bộ tiêu chí gỗ hợp pháp – một cơ sở quan trọng để xây dựng hồ hơ gỗ cho ngành cao su Việt Nam. Dựa trên các thông tin thu nhận được, Dự án đã phát triển một bộ hồ sơ riêng biệt, vừa đáp ứng các tiêu chí, vừa phù hợp cho đặc thù ngành cao su. Việc tham vấn cũng mở ra cơ hội tích hợp các tiêu chí áp dụng cho ngành gỗ cao su Việt Nam trong hệ thống HAWA DDS với mục tiêu tạo thuận lợi cho các DN trong quá trình thực hiện đăng ký, khai báo và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp từ chủ rừng đến DN thu mua gỗ. Ngoài ra, Dự án còn tham vấn ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp để đảm bảo Hồ sơ được đề xuất phù hợp với các yêu cầu của VNTLAS và tham vấn các doanh nghiệp – đơn vị sẽ là đầu mối chính áp dụng Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp.
Xây dựng Sách hướng dẫn về các yêu cầu của VNTLAS (Tháng 4 – 8/2021)
Ấn phẩm này đưa ra những hướng dẫn cho hộ tiểu điền và các bên trong chuỗi cung ứng gỗ cao su thực hiện các yêu cầu của VNTLAS. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các Hội viên VRA về cách thức hỗ trợ các nhà sản xuất gỗ cao su tiểu điền trong việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý của VNTLAS. Theo đó, cá nhân và tổ chức tham gia trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, thương mại gỗ cao su cần quan tâm đến một số nội dung sau:
Nắm rõ các điều luật, quy định pháp lý liên quan đến rừng, vận chuyển, chế biến và thương mại gỗ. Đảm bảo hiểu rõ và chính xác các quy định, những yêu cầu cần thiết trong từng khâu đoạn của chuỗi cung cấp sản phẩm.
Chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu, bằng chứng chứng minh cho lô gỗ, sản phẩm gỗ thuộc sở hữu bảo đảm là gỗ hợp pháp, sẵn sàng cung cấp cho người mua hàng hoặc các tổ chức đánh giá.
Xác minh nguồn gốc hợp pháp gỗ thường trực tiếp liên quan đến xác minh phần lớn các khâu trong chuỗi cung cấp sản phẩm. Yêu cầu pháp lý về khai thác, vận chuyển và chế biến, ngoài ra là các yêu cầu về lĩnh vực xã hội, sức khỏe và an toàn lao động.
Tổng kết về Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam”
Kết quả đạt được:
Chia sẻ những thông tin tổng quan về ngành gỗ cao su Việt Nam cho doanh nghiệp, hộ tiểu điền và các bên liên quan, đồng thời, phản ánh những thách thức, khó khăn trong việc tuân thủ Hệ thống VNTLAS đến Bộ ngành các cấp.
Hỗ trợ nghiên cứu các tác động của việc thực hiện VNTLAS tại nhiều cấp khác nhau ở Việt Nam và xây dựng các thông tin về ngành gỗ cao su thông qua các ấn phẩm để thông báo các bên liên quan trong nước và quốc tế về tiến trình thực hiện VNTLAS tại Việt Nam.
Nâng cao nhận thức và năng lực cho hộ tiểu điền và doanh nghiệp sản xuất gỗ cao su trong việc đáp ứng yêu cầu Hệ thống VNTLAS.
Nâng cao năng lực cho VRA trong việc hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung ứng gỗ cao su trong việc thực hiện theo các tiêu chí của Dự án VNTLAS và các vấn đề liên quan đến Hiệp định VPA/FLEGT.
Hợp tác, phối hợp thực hiện với các tổ chức đang thực hiện các dự án khác nhau liên quan đến Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống VNTLAS.
Một số hạn chế:
Không trực tiếp thực hiện một số hoạt động của Dự án, nhất là đối với các hoạt động cần thực nghiệm hiện trường như thử nghiệm thực địa Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp và tổ chức hội thảo báo cáo kết quả do ảnh hưởng của đại dịch.
Chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ, do hầu hết DN chưa tiếp cận thông tin về các yêu cầu của pháp luật về gỗ hợp pháp.
Phạm vi tuyên truyền về Hệ thống VNTLAS trực tiếp đến các bên liên quan trong chuỗi cung, đặc biệt là các hộ tiểu điền, còn hạn chế.
Kinh nghiệm rút ra
Trong thời gian thực hiện dự án, VRA đã gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp kể từ đầu năm 2021, việc tổ chức các buổi Hội thảo nhằm thu thập ý kiến của đại biểu tham dự cũng như thí điểm dự án với DN 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh đã không thể thực hiện được. Vì vậy, cần phổ biến thông tin rộng rãi về dự án cũng như các tiêu chí đánh giá nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN và hộ tiểu điền nắm bắt thông qua các tờ rơi và tài liệu hướng dẫn ở cấp độ xã, phường thông qua cơ quan hành chính nhà nước.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ việc tuân thủ VNTLAS
Việc ban hành VNTLAS đã tạo ra một khung pháp lý, tuy nhiên, việc triển khai tuân thủ theo quy định này đến các bên trong chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam sẽ cần một số giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tổ chức có thẩm quyền. Qua các hoạt động của Dự án, VRA đã đưa ra một số kiến nghị chính sách trong dài hạn, cụ thể như sau:
Cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả hộ gia đình và tổ chức tham gia trồng cao su. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa UBND cấp xã và đơn vị kiểm lâm tại địa bàn để tạo thuận lợi cho việc xác nhận nguồn gốc gỗ cao su hợp pháp theo VNTLAS.
Cần khuyến khích các tư thương đăng ký giấy phép kinh doanh theo pháp luật và hướng dẫn thực hiện những quy định của VNTLAS để đảm bảo việc thu mua và cung cấp nguồn gỗ cao su hợp pháp. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các DN về quyền lợi, giảm rủi ro và có trách nhiệm khi sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ cao su được xác nhận nguồn gốc hợp pháp.
 
Đoàn dự án làm việc với tư thương
Cần có sự quan tâm, hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức triển khai VNTLAS cùng phối hợp trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy việc tuân thủ VNTLAS. Cùng với đó, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn để phổ biến cho các DN, tiểu thương và hộ gia đình nắm hiểu và áp dụng đúng các quy định của VNTLAS.
Cần có những khảo sát, nghiên cứu để khuyến khích, hướng dẫn người trồng các giải pháp kỹ thuật phát triển cao su bền vững trong các hệ thống sản xuất có hiệu quả kinh tế và sử dụng đất cao, đa dạng nguồn thu nhập, tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường và biến đổi khí hậu.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>