Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Hội nghị Đại biểu Cán bộ Công chức năm 2017 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam

15/05/2017

 Ngày 22/02/2017, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội nghị Đại biểu Cán bộ Công chức năm 2017 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (Viện). 


Đến tham dự Hội nghị, có đại diện Chính quyền địa phương; Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn) và các Ban chuyên môn; đại diện các đơn vị bạn, các khách hàng thân thiết cùng cán bộ lãnh đạo Viện qua các thời kỳ.
Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Đại biểu Cán bộ Công chức năm 2016 và Kế hoạch năm 2017 của ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng, với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Tập đoàn, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ luôn được xem là hoạt động trọng tâm, chủ chốt của Viện. Năm 2016, nhiệm vụ này được tiếp tục chú trọng nhằm mở rộng, gắn chặt hơn với nhu cầu phục vụ sản xuất và đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động sản xuất chung của Tập đoàn. Với tình hình thực tế vẫn còn khó khăn, kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng đáng kể nhưng những kết quả đạt được năm 2016 cũng rất khích lệ, tiêu biểu như:
-          Tiếp tục duy trì triển khai 01 đề tài thường xuyên về bảo toàn quỹ gien cao su từ kinh phí Tập đoàn cấp
-          Thực hiện 01 đề tài cấp Tập đoàn “Soát xét TCCS 104:2009 – Quy trình chế biến cao su tờ xông khói RSS và TCCS 105:2009 Cao su tờ xông khói – Quy định kỹ thuật”
-          Thực hiện 01 đề tài hợp tác quốc tế với Đại học Nagaoka (Nhật Bản) về xây dựng mô hình công nghệ xử lý triệt để nước thải chế biến cao su (thuộc Dự án ESCANBER)
-          Nghiên cứu phối hợp 07 đề tài, công trình với các công ty cao su
-          Hoàn thành xây dựng cơ cấu giống cao su giai đoạn 2016 – 2020
-          Đã đề xuất với Bộ NN&PTNT 07 đề tài và 03 tiêu chuẩn thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 2017 – 2020
-          Đã thực hiện trao đổi song phương giống cao su quốc tế với Ấn Độ (08 giống); Đang chuẩn bị các thủ tục để trao đổi giống cao su với Thái Lan (dự kiến 10 giống)
-          Pháp lý hóa sản phẩm: Tiếp tục duy trì hiệu lực cho 03 Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích (Patent) và 01 nhãn hiệu (RRIV); Nộp hồ sơ đề nghị Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT công nhận 05 giống cao su sản xuất thử
-          Quảng bá thông tin các tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ trong và ngoài ngành cao su qua Bản tin Khoa học Công nghệ
Với mục tiêu ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật từ nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, công tác tư vấn, đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu là lĩnh vực Viện đang tập trung đẩy mạnh. Thông qua hoạt động này, thương hiệu và uy tín của Viện ngày càng được nâng cao, trong đó kết quả nổi bật là công tác đào tạo, cung cấp giống theo ủy nhiệm của Tập đoàn, công tác tư vấn kỹ thuật theo sự tín nhiệm của các công ty cao su, các tổ chức khuyến nông các tỉnh và nông hộ.
Năm 2016 ghi nhận dấu ấn quan trọng trong công tác tổ chức nhân sự của Viện khi Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam được đề cử giữ chức Tổng Thư ký Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) trong nhiệm kỳ 3 năm 2017 2020. Đây là niềm tự hào của ngành cao su Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam có đại diện giữ chức Tổng Thư ký của một tổ chức quốc tế có uy tín lâu năm trên thế giới.
Tiếp nối những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2016 và thực hiện kế hoạch đề ra năm 2017, Viện tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá các tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kỹ thuật, đào tạo, thực hiện trao đổi giống đa phương với Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển cao su quốc tế (IRRDB), trong đó chú trọng hợp tác với Đại học Nagaoka (Nhật Bản), xúc tiến hợp tác với CIRAD (Pháp), Ấn Độ, Thái Lan; xây dựng chiến lược Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn 2030; tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển các hoạt động tư vấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phục vụ sản xuất, chú trọng việc nâng cao chất lượng chuyển giao.
Về công tác xây dựng cơ bản, Viện có kế hoạch nâng cấp Phòng Kiểm nghiệm cao su – thuộc Trung tâm Quản lý Chất lượng cao su thiên nhiên – đạt tiêu chuẩn Phòng Kiểm nghiệm tham chiếu quốc gia nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và uy tín, giá trị thương hiệu cao su Việt Nam.
Về giải pháp quản lý sản xuất thực nghiệm, Viện tiếp tục thực hiện chế độ cạo d4 và thí điểm cạo d5, d6 áp dụng kích thích mủ trên diện tích cao su khai thác nhằm tăng năng suất, thu nhập của người lao động, đồng thời triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để giảm giá thành sản xuất.
Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt năm 2016 và kế hoạch 2017 của
Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam
STT
Chỉ tiêu
ĐVT
Kết quả 2016
Kế hoạch 2017
I
Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ
 
 
 
 
Khối lượng (Bao gồm đề tài Nghiên cứu phối hợp)
Đề tài, dự án
10
15
II
Hoạt động sản xuất kinh doanh
 
 
 
1
Tổng diện tích cao su
ha
1.132,1
1.120,9
2
Diện tích khai thác
ha
754
709,3
3
Sản lượng cao su khai thác
tấn
1.151,4
1.000
4
Năng suất bình quân
tấn/ha
1,5
1,4
5
Sản lượng cao su thu mua
tấn
80
100
6
Sản lượng chế biến
tấn
958,68
820
7
Tổng doanh thu
tỷ đồng
111,07
107,5
8
Tổng số lao động
người
524
530
9
Tiền lương bình quân
đồng/người/tháng
6.490.000
6.690.000
10
Thu nhập bình quân
đồng/người/tháng
7.200.000
7.420.000
Trích: Báo cáo Hội nghị Đại biểu Cán bộ Công chức năm 2017 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, ngày 22/02/2017
 
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Ngọc Thúy)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>