Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA)”

18/08/2016

Ngày 01/7/2016, tại TP.HCM, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA)” do Cục Sở hữu trí tuệ và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) phối hợp tổ chức.


 

Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA)”, 01/7/2016, TP.HCM
Ông Lê Đức Thanh – Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ” – đã trình bày báo cáo “Cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong Hiệp định Thương mại tự do EVFTA” nhằm giới thiệu những nguyên tắc về bảo hộ CDĐL, các cam kết cùng những vấn đề pháp lý. Đối với CDĐL trong EVFTA, nguyên tắc đàm phán dựa trên cơ sở pháp luật bảo hộ CDĐL của mỗi bên và các điều ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, ký kết. Về số lượng CDĐL được bảo hộ, EU cam kết bảo hộ 39 CDĐL của Việt Nam với cơ cấu sản phẩm chủ yếu là rau quả, sản phẩm cây công nghiệp chế biến, thủy sản, gạo… 29 tỉnh thành có CDĐL được bảo hộ là Quảng Ninh, Thanh Hóa: có 3 CDĐL; Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bình Thuận, Tiền Giang, Bạc Liêu: 2 CDĐL. Ngược lại, Việt Nam cam kết bảo hộ 169 CDĐL của EU với cơ cấu sản phẩm chủ yếu là rượu, pho mát.
Ông Đào Đức Huấn – Trung tâm phát triển nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – trong báo cáo “Hiện trạng và định hướng nâng cao hiệu quả về quản lý, kiểm soát CDĐL ở Việt Nam” đã nêu lên thực trạng không đồng nhất về mô hình tổ chức quản lý, do có địa phương thì Ủy ban Nhân dân thành phố làm chủ thể quản lý CDĐL nhưng có nơi lại do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ thể. Do vậy, cần thiết xây dựng một cơ sở pháp lý chung trong quản lý, kiểm soát CDĐL. Ngoài ra, khó khăn trong quản lý CDĐL ở Việt Nam còn ở nhu cầu sử dụng CDĐL hạn chế do phần lớn là cơ sở sản xuất nhỏ, hoạt động thương mại theo phương thức truyền thống và CDĐL chưa trở thành dấu hiệu nhận diện trên thị trường, ví dụ cụ thể được Diễn giả nêu dẫn như Nho Ninh Thuận hay Cà phê Buôn Ma Thuột dù là sản phẩm dán tem hay không dán tem, chưa có sự khác nhau về giá bán.
Đặc biệt tại Hội thảo là phần trình bày, chia sẻ kinh nghiệm từ đại diện các Hội và Hiệp hội ngành hàng có sản phẩm đã được đăng ký CDĐL là nước mắm Phú Quốc và cà phê Buôn Ma Thuột. Theo bà Nguyễn Thị Tịnh – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc – đây là CDĐL đầu tiên được bảo hộ của Việt Nam vào năm 2001. Hội Nước mắm Phú Quốc đã ban hành Quy chế kiểm soát nội bộ và thành lập Ban kiểm soát nội bộ CDĐL cũng như thiết kế hệ thống logo, tem, nhãn và bao bì sản phẩm. Để đảm bảo tiêu chuẩn, nước mắm Phú Quốc được đánh số cho từng thùng ủ chượp và được kiểm soát chặt chẽ theo Quy chế. Năm 2012, CDĐL nước mắm Phú Quốc đã được Ủy ban châu Âu cấp quy chế bảo hộ tại Liên minh châu Âu – là sản phẩm đầu tiên từ Việt Nam được EU công nhận bảo hộ CDĐL. Tuy đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng hiện sản phẩm nước mắm Phú Quốc do chưa được phát triển tiếp thị, quảng bá nên người tiêu dùng châu Âu chưa biết đến nhiều và theo bà Tịnh, đề nghị hỗ trợ đăng ký CDĐL sang các nước có tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới như đăng ký bảo hộ trong khối ASEAN.
Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột – cho biết CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2005 với sản phẩm cà phê nhân Robusta xuất xứ vùng Buôn Ma Thuột và hiện nay, đang hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm soát phù hợp quy định CDĐL được bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Tổ chức quản lý CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, các tổ chức quản lý nhà nước tại địa phương (như Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương…) và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, nhằm thực hiện kiểm soát và cấp quyền sử dụng CDĐL, hiện đã xây dựng và triển khai mô hình quản lý nội bộ trong Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và ở từng doanh nghiệp Hội viên. Ngoài ra, Hiệp hội đề xuất hỗ trợ mở rộng hệ thống quản lý nội bộ ở tổ chức nông dân.

 

 Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Thanh Danh, Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>