Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự Hội thảo kỹ thuật “VFCS/PEFC – Lựa chọn mới trên chặng đường chứng nhận cho xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam”

18/07/2022

Ngày 10/6/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham dự Hội thảo kỹ thuật FCS/PEFC – Lựa chọn mới trên chặng đường chứng nhận cho xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam do Tổ chức chứng nhận SGS phối hợp với PEFC và Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức. 


Hội thảo kỹ thuật đã giới thiệu những cơ hội và lợi ích khi tham gia chương trình chứng nhận VFCS/PEFC FM/CoC, các bước chuẩn bị cần thiết cũng như những vấn đề thực tế cần lưu ý khi áp dụng và triển khai các tiêu chuẩn này trong hành trình sắp tới. Bên cạnh đó, đại diện VFCO cũng đã chia sẻ với các đại biểu tham dự hội thảo về kinh nghiệm phát triển các mô hình chứng chỉ theo nhóm hộ một cách bền vững cũng như những ưu điểm của hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.

Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia từ phía ban tổ chức đã chia sẻ, chứng chỉ VFCS/PEFC có nhiều ưu điểm và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, là cơ hội và lựa chọn mới trên chặng đường chứng nhận cho xuất khẩu gỗ và lâm sản. Hiện nay, PEFC đã thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững với tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ khoảng 330 triệu ha. Tại Việt Nam, song song với chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC, từ năm 2019, PEFC đã hợp tác với VFCO để xây dựng và phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS). Chương trình cung cấp tiêu chuẩn và các hướng dẫn quản lý rừng bền vững áp dụng cho các chủ rừng, đặc biệt là các chủ rừng nhỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đạt được chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC, giúp tạo ra nguồn nguyên liệu chứng nhận PEFC cho gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời, tiêu chuẩn bao gồm các yêu cầu liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu/sản phẩm, giúp cho các doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC có thể khai báo sản phẩm chứng nhận PEFC khi bán hàng.
Đối với câu hỏi của đại biểu về những khác biệt giữa chứng chỉ PEFC và FSC, các chuyên gia đã chia sẻ, doanh nghiệp đã tìm hiểu và tiếp cận FSC sẽ có lợi thế nếu lựa chọn thực hiện PEFC, tuy nhiên chi phí thực hiện các chứng chỉ bền vững được đánh giá là không quá chênh lệch và điều các đơn vị cần cân nhắc là điều kiện nội tại, mục tiêu của doanh nghiệp cũng như yêu cầu của đối tác, quy định tại các thị trường xuất khẩu để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia chia sẻ của các doanh nghiệp đã và đang sử dụng chứng nhận PEFC đối với nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm. Công ty Geuther là doanh nghiệp hàng đầu châu Âu cung cấp nội thất trẻ em với yêu cầu khắt khe từ khách hàng. Ông Michel Bertsch, đại diện công ty khẳng định chứng chỉ PEFC rất phổ biến ở thị trường châu Âu và Geuther đã đạt được nhiều lợi thế khi sử dụng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ PEFC để xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ vào thị trường này.
Bên cạnh đó, ông Sim Dong Jin, Giám đốc bán hàng Công ty Han Gook Beob Rang (Hàn Quốc) đã chia sẻ câu chuyện thành công khi sử dụng các nguyên liệu gỗ có chứng chỉ thuộc hệ thống PEFC,  giúp công ty có những thành công vượt trội về doanh thu, nâng cao nhận diện thương hiệu khi tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cũng nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang tổng hợp)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>