Hoạt động

Hội thảo Khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam”

08/12/2020

Chiều ngày 11/11/2020, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có các đại diện lãnh đạo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương và Tây Ninh; các chuyên gia trong lĩnh vực cao su và lâm nghiệp cùng các Hội viên và quý Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành gỗ, đặc biệt là gỗ cao su.


   

 

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam phát biểu tuyên bố khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA – cho biết gỗ cao su từ lâu đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Hiện nay, diện tích cao su đạt hơn 900 ngàn ha, trong đó các hộ tiểu điền chiếm 51,9% tổng diện tích cao su cả nước. Năm 2019, xuất khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su trị giá hơn 2,38 tỷ USD, đóng góp 22,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, gồm 19,2% trong xuất khẩu nguyên liệu gỗ và 23,5% trong xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước. Nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào yêu cầu phải có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, không chỉ áp dụng cho các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa. Nội dung này đã được quy định trong Nghị định 102/2020/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 01/9/2020 về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. VNTLAS là cốt lõi của “Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản” (Hiệp định VPA/FLEGT) với mục tiêu đảm bảo tất cả các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều được sản xuất hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia khai thác. Hiệp định này được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước không có Hiệp định.
Bà Phan Trần Hồng Vân – Quản lý dự án cho biết – xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy tuân thủ VNTLAS đối với cao su tiểu điền, dự án được triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và sự ủng hộ của Tổng cục Lâm nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và cuối cùng đóng góp vào quản lý rừng bền vững. Dự án được thực hiện trong 12 tháng cùng sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm nhằm đảm bảo các kết quả đề ra, từ đánh giá tổng quan về ngành gỗ cao su Việt Nam đến xác định các thách thức, khó khăn trong việc tuân thủ Hệ thống VNTLAS và cuối cùng là xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các hộ tiểu điền và doanh nghiệp sản xuất gỗ cao su tại Bình Dương và Tây Ninh. Ngoài ra, Dự án sẽ nâng cao năng lực cho VRA trong việc hỗ trợ các bên liên quan của chuỗi cung ứng gỗ cao su trong việc thực hiện theo các tiêu chí của Dự án VNTLAS và các vấn đề liên quan đến Hiệp định VPA/FLEGT. Trong quá trình thực hiện, Dự án hợp tác, hỗ trợ, phối hợp thực hiện với các tổ chức, hiệp hội đang thực hiện các dự án khác nhau liên quan đến Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống VNTLAS nhằm góp phần tăng mức hiệu quả đạt được.
Tiến sỹ Trần Thị Thúy Hoa – chuyên gia kỹ thuật Dự án cho rằng – cần nâng cao năng lực tuân thủ VNTLAS cho ngành cao su và cần ưu tiên hỗ trợ cho các hộ tiểu điền – nguồn đóng góp quan trọng vào 30% – 60% sản lượng gỗ cao su của Việt Nam, làm động lực cho toàn chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam có tính hợp pháp và bền vững. Việc tuân thủ VNTLAS sẽ tạo điều kiện cho gỗ cao su Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hợp pháp vào châu Âu, góp phần thúc đẩy thương mại gỗ cao su vào các thị trường khác có nhu cầu về gỗ hợp pháp theo xu hướng của thế giới và yêu cầu của xã hội. Thông qua Dự án này, các tác động của việc thực hiện VNTLAS sẽ được nghiên cứu tại nhiều cấp khác nhau ở Việt Nam và xây dựng các thông tin về ngành gỗ cao su để thông báo các bên liên quan trong nước và quốc tế về tiến trình thực hiện VNTLAS tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Tử Kim – chuyên gia lâm nghiệp Dự án cho biết – từ thực trạng áp dụng VNTLAS với gỗ trong nước thực hiện theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, gỗ cao su cần xây dựng kế hoạch theo tiêu chuẩn quy định về môi trường, về chuỗi hành trình sản phẩm trong vận chuyển, trong sản xuất và tiêu thụ, chuỗi cung từ khi khai thác cây gỗ, đến vận chuyển, chế biến, thương mại, bắt buộc phải đảm bảo quá trình diễn ra theo đúng quy định và đảm bảo cây gỗ được kiểm soát chặt chẽ như xây dựng phương án khai thác phù hợp khi cây hết tuổi khai thác mủ, chặt trắng để trồng mới, đặc biệt chú ý với các diện tích lớn, bảo đảm yêu cầu về an toàn lao động cũng như vệ sinh môi trường. Đồng thời, hạn chế mua gỗ qua nhiều trung gian, nên thành lập tổ thu mua gỗ cho các tiểu điền, đối với các tiểu điền chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần có xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền địa phương về việc đất đã được sử dụng lâu năm và không tranh chấp.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Ông Đào Tiến Dũng – Trưởng ban Quản lý và Phát triển Dự án thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) đã giới thiệu về Hệ thống Giải trình và Truy xuất Nguồn gốc Gỗ (HAWA DDS) như một giải pháp dành cho doanh nghiệp gỗ cao su. Theo đó, hệ thống HAWA DDS 1.0 được xây dựng nhằm đơn giản hóa việc giải trình nguồn gốc gỗ với các nhà mua hàng nước ngoài. Giấy chứng minh nguồn gốc gỗ với mã QR đi kèm sẽ cho phép người mua kiểm tra thông tin của các quy trình mua bán từ đầu chuỗi đến cuối chuỗi cung ứng gỗ cao su. Quy trình xác minh được thực hiện tự động thông qua hệ thống đánh giá dựa trên thời gian thực, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính minh bạch. Ngoài những chức năng trên, HAWA DDS 1.0 còn tích hợp các biểu mẫu được phát triển dựa trên những chứng từ và tài liệu tối thiểu mà các doanh nghiệp ngành gỗ hiện đang sử dụng.
Tại Hội thảo, các đại diện DN cũng đặt ra câu hỏi về ưu điểm và hạn chế của rừng cao su trong chức năng về lâm nghiệp. Phản hồi thắc mắc của DN, TS. Nguyễn Tử Kim cho biết, cây cao su với mật độ dày, những cây đồng tuổi, 1 tầng tán nên khả năng chống xói mòn, giữ đất và nước kém hơn so với rừng tự nhiên, vì vậy việc trồng cao su cần phải có quy hoạch, theo kế hoạch tại vùng thích hợp. Từ góc độ chuyên gia về cao su, TS. Trần Thị Thúy Hoa cho biết về bản chất, cao su là cây rừng có xuất xứ từ Nam Mỹ, nên nếu có giải pháp để cao su có thể được trồng tiếp cận với rừng tự nhiên, cây lâm nghiệp thì có thể cải thiện tính đa tầng và sự đa dạng sinh học. Hiện tại Malaysia và Thái Lan, một số mô hình nông lâm kết hợp cao su và cây rừng, cây nông nghiệp đã được trồng thực nghiệm thành công về việc bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, đại diện cho cơ quan thực thi VNTLAS, cho biết lực lượng Kiểm lâm hiện gặp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện theo Thông tư 102 do thiếu cơ sở hướng dẫn để tiến hành thủ tục xác minh trước khi xuất khẩu và người dân cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển, di chuyển đến các đơn vị chịu trách nhiệm xác minh. Ông đề xuất các DN phải có bản kê lâm sản và được xác nhận bởi UBND xã hoặc Kiểm lâm sở tại, sau đó Chi cục kiểm lâm có thể dễ dàng tập hợp và triển khai xử lý xác minh khi xuất khẩu. Điều này sẽ giúp triển khai VNTLAS dễ dàng hơn với đối tượng cao su tiểu điền. Ông cũng đánh giá mục tiêu thực hiện của Dự án là cần thiết và mang ý nghĩa quan trọng đối với tiểu điền trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của VNTLAS.
Văn phòng HHCSVN 
·        Vui lòng truy cập các link dưới đây để tải Tài liệu Hội thảo:
3.      Giới thiệu về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS). Người trình bày: Ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp
4.      Chuỗi cung ứng gỗ cao su tại Việt Nam. Người trình bày: Tiến sỹ Trần Thị Thúy Hoa – Chuyên gia Kỹ thuật Dự án
5.      Thực trạng áp dụng VNTLAS đối với gỗ một số loại cây trồng khác và bài học kinh nghiệm với gỗ cây cao su. Người trình bày: Tiến sỹ Nguyễn Tử Kim – Chuyên gia Lâm nghiệp Dự án
6.      Nền tảng HAWA DDS 1.0 – Những giải pháp chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ cao su. Người trình bày: Ông Đào Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý và phát triển Dự án HAWA DDS


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>