Hoạt động

Phối hợp tổ chức Diễn đàn giao thương doanh nghiệp cao su Việt Nam – Chiết Giang

15/01/2020

Ngày 11/12/2019, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Diễn đàn giao thương doanh nghiệp cao su Việt Nam – Chiết Giang tại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang – Trung Quốcvới sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Cao su Chiết Giang, Liên hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Chiết Giang và gần 30 đại diện doanh nghiệp sản xuất săm lốp, đệm, băng tải, băng chuyền, các loại bao túi cao su, găng tay và đồ bảo hộ cao su, thiết bị máy móc chuyên dùng về ngành cao su tại khu vực Chiết Giang. 


Trong bài phát biểu chào mừng Đoàn doanh nghiệp Việt Nam, ông Chen Xiao Yu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp cao su, Tổng Giám đốc Công ty Chế phẩm cao su Tam Duy, Chiết Giang đã đánh giá cao việc tổ chức “Diễn đàn giao thương” tại Hàng Châu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước có thể gặp gỡ, trao đổi thông tin về nhu cầu sản phẩm, thiết lập quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương.

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA & VRG phát biểu khai mạc Diễn đàn

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đã khẳng định Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ lâu đời, truyền thống. Quan hệ Việt - Trung ngày càng được củng cố, phát triển và mang lại lợi ích xã hội kinh tế cho cả hai bên. Với sự hợp tác phát triển không ngừng của hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại - kinh tế, đến nay Trung Quốc trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam với nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, Trung Quốc giữ vị trí thứ ba trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng mặt hàng cao su thiên nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 66,3% trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, tăng 8,9% về lượng và 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

 

Đại diện Bộ Công Thương, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại quốc gia, công tác hỗ trợ doanh nghiệp của Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, đồng thời, khẳng định Bộ Công Thương luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cao su trong công tác xúc tiến thương mại, mở cửa và phát triển thị trường. Bộ Công Thương luôn quan tâm chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cao su Việt Nam tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thông qua Hiệp hội Cao su Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ còn chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại, XTTM Việt Nam tại nước ngoài tăng cường công tác quảng bá, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; phát huy vai trò của cơ quan XTTM tại địa bàn sở tại, kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn thông tin cho doanh nghiệp hai bên, thể hiện vai trò là cầu nối về chính sách, quy định giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp hai bên phát triển bền vững mối quan hệ thương mại.
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam đã báo cáo về tổng quan ngành cao su Việt Nam và giới thiệu về Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su Việt Nam ước đạt xấp xỉ 6,6 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, sản phẩm cao su ước đạt 2,32 tỷ USD, chiếm 35,3%; cao su thiên nhiên (CSTN) đạt khoảng 2,09 tỷ USD, chiếm 31,8%; nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su đạt khoảng 2,16 tỷ USD, đóng góp 32,8%. Năm 2018, sản lượng CSTN của Việt Nam đạt 1,138 triệu tấn, giữ vị trí thứ ba trên thế giới với thị phần 8,1% sản lượng thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Năng suất trung bình đạt 1.650 kg/ha, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu so với các nước trồng cao su trong khu vực châu Á. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành cao su sẽ giữ ổn định diện tích cây cao su ở mức 900.000 – 950.000 ha và phát triển cao su mang tính bền vững, tự nhiên. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su trong mối liên kết chuỗi. Về thị trường, tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, và đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các thị trường tiềm năng, nhất là Nhật Bản.
Về Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”, ông An cho biết Hiệp hội đã triển khai thực hiện cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu trên các sản phẩm cao su Việt Nam mà doanh nghiệp cam kết đảm bảo chất lượng và uy tín của doanh nghiệp kết hợp trách nhiệm xã hội và môi trường để phát triển bền vững. Đến cuối năm 2019, Hiệp hội đã triển khai cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận cho 14 Hội viên để gắn trên 67 sản phẩm của 25 nhà máy đáp ứng các tiêu chí của Hiệp hội. Danh sách các sản phẩm này đã được Hiệp hội quảng bá trên các ấn phẩm, sự kiện xúc tiến thương mại, đặc biệt được giới thiệu tại một số hội nghị cao su quốc tế, tạo hình ảnh nhận diện các sản phẩm cao su Việt Nam đảm bảo tiêu chí chất lượng và uy tín, từ đó, từng bước góp phần xây dựng Thương hiệu ngành Cao su Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn giao thương, đại diện lãnh đạo của 3 doanh nghiệp cao su Việt Nam gồmCty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng,Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa và Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã có bài giới thiệu về năng lực sản xuất, quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của từng đơn vị.
Bà Wang Yi Tian – Phó Tổng thư ký thường trực Hiệp hội Công nghiệp Cao su Chiết Giang đã giới thiệu về tình hình thị trường cao su của Chiết Giang. Theo bà Wang, nhu cầu và sản lượng nhập khẩu hàng năm của các doanh nghiệp cao su tỉnh Chiết Giang vào khoảng hơn 1,1 triệu tấn. Chỉ tính riêng Công ty Tập đoàn Cao su Trung Sách (ZC Ruber Group Co Ltd) nhu cầu nhập khẩu hàng năm từ 700 đến 1 triệu tấn cao su. Gần 20 công ty sản xuất băng tải chịu nhiệt, băng tải và các chế phẩm từ cao su mỗi doanh nghiệp đang nhập khẩu từ 5.000 tấn đến 15.000 tấn cao su mỗi năm. Đại diện các doanh nghiệp cao su Chiết Giang, Công ty Tập đoàn Cao su Trung Sách đánh giá chất lượng sản phẩm cao su Việt Nam được cải thiện, hoàn thiện từng năm, Công ty mong muốn thiết lập mối quan hệ cung cầu lâu dài với các doanh nghiệp cao su Việt Nam, hiên nay phía Công ty đang nhập khẩu từ Việt Nam mỗi năm từ 300.000 – 400.000 tấn. Tuy nhiên từ trước tới nay chủ yếu thông qua các đối tác trung gian, nhập khẩu từ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, lẻ của Việt Nam, điều này cũng một phần nào ảnh hưởng tới tính ổn định về chất lượng sản phẩm, đôi khi đối tác Việt Nam không thực hiện đúng cam kết như Hợp đồng ký kết.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Trần Ngọc Thuận cũng khẳng định với các đối tác doanh nghiệp Chiết Giang sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn, Hội viên Hiệp hội nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín kinh doanh thương mại cũng như tạo điều kiện hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Chiết Giang nhằm tạo nên chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm cao su, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su. Ông Trần Ngọc Thuận đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường cao su Trung Quốc, đặc biệt là Chiết Giang, đồng thời sẽ báo cáo Chính phủ và kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ quảng bá cho ngành cao su Việt Nam từ năm 2020 tại thị trường Trung Quốc nhằm quảng bá sản phẩm cao su Việt Nam phát triển thương hiệu bền vững tại thị trường này.
 Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã diễn ra các hoạt động trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp cao su Việt Nam – Chiết Giang về thương mại và đầu tư. Các doanh nghiệp sản xuất về lĩnh vực băng tải chịu nhiệt, dây kéo, dây cua roa đánh giá cao môi trường đầu tư, mức độ hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn sẵn sàng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
 
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống cần duy trì đối với mặt hàng cao su thiên nhiên trong ngắn hạn. Vì vậy, việc tổ chức các sự kiện giao thương doanh nghiệp hai nước là kênh quảng bá hiệu quả và nên tiếp tục thực hiện để tạo cơ hội mở rộng kinh doanh và gia tăng thị phần nhập khẩu của cao su Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Dự kiến trong năm 2020, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục XTTM và các VPĐD thương mại tại Trung Quốc tổ chức hiệu quả và thành công các sự kiện giao thương tương tự.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hồng Vân)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>