Hoạt động

Tham dự Hội thảo “Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA): Lợi ích & Thực thi”

15/05/2017

 Ngày 29/3/2017 tại TP.Hồ Chí Minh, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội thảo “Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA): Lợi ích & Thực thi”.


 Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chuyên gia của Ngân hàng thế giới, các hiệp hội ngành hàng, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp...

Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA: Trade Facilitation Agreement) đã được 112/164 thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) phê chuẩn thông qua vào ngày 22/02/2017 và chính thức có hiệu lực. TFA đặt ra tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại thống nhất trong tất cả các quốc gia thành viên WTO, dựa theo các chuẩn mực quốc tế. Do vậy, TFA được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế thông qua thực hiện cải cách thủ tục hải quan và thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Toàn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục Hải quan – trình bày báo cáo giới thiệu về Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO. Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán TFA từ năm 2008 và đã được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 11/2015. Hiệp định TFA gồm 3 Phần với 24 Điều, trong đó Phần II có các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển. Các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển chỉ yêu cầu thực hiện cam kết ở mức phù hợp với mức độ phát triển và sẽ được hỗ trợ xây dựng năng lực nhằm thực hiện các cam kết của TFA. Có 3 nhóm cam kết, trong đó cam kết Nhóm A bao gồm các điều khoản mà nước thành viên đang phát triển phải thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực; cam kết Nhóm B được gia hạn thực thi sau khi Hiệp định có hiệu lực; cam kết Nhóm C cũng được gia hạn và được hỗ trợ xây dựng năng lực thực thi. Dựa trên năng lực, nền tảng riêng biệt, các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển phải tự quyết định các điều khoản nào thuộc vào các nhóm A, B và C.
Ông Âu Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan – giới thiệu các biện pháp tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực Hải quan. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 93/190 nước trong Bảng xếp hạng về Giao dịch qua biên giới, còn riêng trong khối ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 4 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa để Việt Nam tiệm cận với thứ hạng của 3 nước này. Đối với các nội dung, yêu cầu trong TFA thì phần lớn đã được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam do Việt Nam thực hiện Công ước Kyoto về thủ tục Hải quan với nội dung gần tương tự, chỉ có một số yêu cầu bắt buộc trong TFA cần được bổ sung vào pháp luật Việt Nam. Trong TFA, một số lĩnh vực mà Việt Nam đã tuân thủ như: thủ tục hải quan áp dụng chung, cải cách thủ tục hành chính, tự do quá cảnh, hợp tác hải quan… và một số lĩnh vực chưa tuân thủ như: cơ chế một cửa, các thủ tục hải quan áp dụng riêng cho một số nhóm hàng hóa và thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Do vậy, trong thời gian tới Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nhằm đáp ứng các cam kết trong TFA, cũng như các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể như: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hiện đại hóa Hải quan trên toàn quốc, vận hành thí điểm hệ thống giám sát tại cảng biển, kết nối Hải quan với Kho bạc và Ngân hàng để tạo thuận lợi trong khâu thanh toán…
Ông Phạm Minh Đức – chuyên gia Tạo thuận lợi thương mại của Ngân hàng thế giới – đánh giá thực thi TFA có thể giảm đến 14,1% chi phí thương mại, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông nhận định, chỉ tiến hành cải cách Hải quan sẽ không thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả tạo thuận lợi thương mại mà cần một cơ chế điều phối liên ngành hiệu quả nhằm phối hợp cải cách thủ tục hành chính trước và tại cửa khẩu.
Tại Hội thảo cũng có phiên giới thiệu về Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam http://vietnamtradeportal.com/ – một kênh thông tin liên quan tới hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu ở Việt Nam. Dự định khai trương vào năm 2017 dưới sự chủ trì của Tổng cục Hải quan, Cổng Thông tin này sẽ là một công cụ hữu ích giúp các thương nhân tiếp cận, cập nhật những quy định và thủ tục cần thiết cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh. Cổng Thông tin này là một bước quan trọng hướng tới cải thiện tính minh bạch trong luật lệ và quy trình thương mại của quốc gia.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>