Hoạt động

Tham dự trực tuyến Hội thảo kỹ thuật Sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng

20/03/2023
 Ngày 24/02/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham dự Hội thảo kỹ thuật Sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), và Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp tổ chức. Hội thảo đã cung cấp thông tin tổng quan về quy định mới của EU về các sản phẩm không phá rừng, cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng của các dự án do UNDP triển khai thí điểm, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ Ecuador và các doanh nghiệp quốc tế trong ngành ca cao, cà phê về cách thúc đẩy những thay đổi trực tiếp, những chuyển đổi sáng tạo giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và loại bỏ nạn phá rừng

Tại hội thảo, ông Jesus Lavina, Phó Ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã cung cấp thông tin tổng quan về quy định mới của EU về các sản phẩm không phá rừng. Quy định dự kiến sẽ có hiệu lực từ khoảng tháng 5 – 6/2023 và dự kiến tháng 12/2024 bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với nhà vận hành (từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ). Theo đó, không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào trong phạm vi của Quy định được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu các sản phẩm này được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Việc truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được thực hiện nghiêm ngặt giữa hàng hóa với lô đất nơi sản xuất. Các hàng hóa dự kiến sẽ chịu tác động bởi quy định này gồm: Dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in), ngoài ra, danh sách có thể sẽ tiếp tục được cập nhật trong tương lai.

Ecuador – với kinh nghiệm là quốc gia thực hiện nghiêm ngặt và đạt nhiều kết quả tích cực về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, đồng thời có hai mặt hàng mũi nhọn là ca cao, cà phê nằm trong danh mục sản phẩm của quy định mới từ EU – cũng đã có phần chia sẻ tại hội thảo. Bà Karina Barrera, Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ Môi trường & Nước Ecuador cho biết định nghĩa quốc gia của Ecuador về sản xuất bền vững không gây mất rừng là sản xuất hiệu quả có bao hàm sức khỏe, khả năng kinh tế, khả năng chấp nhận của xã hội và bảo vệ môi trường mà không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên và hạn chế phá rừng. Việc đảm bảo lợi ích kinh tế cũng là một mặt thiết yếu của phát triển bền vững vì sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất tìm hiểu, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, chủ động áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt. Về phía chính quyền, bằng cách đưa ra các quy định phù hợp với mục tiêu quốc gia và thúc đẩy các bên liên quan tới ngành sản xuất nội địa thực hiện, Ecuador cũng đang dần tiến tới việc đáp ứng các quy định quốc tế mới.
Lavazza – một nhà sản xuất các sản phẩm cà phê của Ý, đã cùng Bộ Môi trường và Nước, Bộ Nông nghiệp Ecuador và UNDP ký kết Ý định thư nhằm khởi động sáng kiến khuyến khích sản xuất cà phê bền vững, hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất bằng cách tăng chất lượng và năng suất cà phê tại Ecuador. Khảo sát do các đơn vị này thực hiện cũng cho thấy, người tiêu dùng e ngại việc phải trả thêm chi phí cho các sản phẩm được sản xuất theo hướng bền vững, nhưng sẵn sàng trả nhiều hơn cho sản phẩm có chất lượng cao hơn. Điều này mở ra định hướng mới cho hoạt động sản xuất, tiếp thị để đạt được cả mục tiêu kinh tế và môi trường. Ông Mario Cerutti Lavazza, Trưởng bộ phận quan hệ thể chế và bền vững của Lavazza cũng nhận định việc hợp tác đa phương giữa doanh nghiệp, chính quyền đã tạo động lực lớn cho công cuộc phát triển bền vững trên toàn cầu.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>