Hoạt động

Tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)

24/04/2017

 Ngày 08/02/2017, Đoàn đại biểu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đến thăm và làm việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhằm tìm hiểu về kế hoạch và hiệu quả sử dụng đất của ngành cao su Việt Nam để nghiên cứu cơ hội hợp tác triển khai dự án “Đầu tư xanh châu Á Green Invest Asia” do USAID tài trợ.


 Mục tiêu của Dự án “Đầu tư xanh châu Á” là mở rộng quy mô áp dụng các thực hành tốt trong quản lý đất đai và giảm khí thải thông qua những chương trình duy trì môi trường bền vững; tăng đầu tư của ngân hàng, tổ chức tài chính cho khu vực tư nhân; cải thiện năng lực quản lý đất đai để giảm khí thải. Dự án còn nhằm phát triển những giải pháp sáng tạo để thực thi các cam kết của Hiệp định Paris đã được thông qua trong Hội nghị (COP) lần thứ 21 của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su – đã trình bày tổng quan về ngành cao su Việt Nam, vai trò của VRA trong quan hệ hợp tác với các tổ chức cao su trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, Tiến sĩ Hoa cũng giới thiệu tới Đoàn đại biểu USAID về bối cảnh ra đời cũng như quá trình phát triển của Đề án xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam, trong đó, phát triển bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng của thương hiệu ngành. Tính đến ngày 20/12/2016, VRA đã hoàn thành thủ tục thẩm tra và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam cho 6 doanh nghiệp Hội viên.
Nhằm nghiên cứu cơ hội hợp tác triển khai dự án “Đầu tư xanh Châu Á”, Đoàn đại biểu USAID quan tâm tìm hiểu về hiệu quả sử dụng đất trồng cao su. Tiến sĩ Hoa cho biết, do tình hình giá bán giảm sâu trong những năm gần đây, các doanh nghiệp cao su khi tiến hành trồng mới hay tái canh đều thực hiện xen canh nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có cây rừng lấy gỗ để tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người lao động, chủ động cung cấp nguồn gỗ hợp pháp cho các nhà máy chế biến gỗ và góp phần tăng trữ lượng các-bon. Đối với những vùng trồng cao su – đặc biệt là vùng phi truyền thống như Tây Bắc – Tiến sĩ Hoa đề xuất Dự án hỗ trợ việc phổ biến những giống năng suất cao về mủ gỗ, thích nghi với điều kiện sinh thái ít thuận lợi… để có điều kiện sử dụng hiệu quả đất vùng đồi núi, đồng thời, đáp ứng nhu cầu của thế giới về cao su thiên nhiên và gỗ cao su. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hoa còn đề nghị Dự án hỗ trợ chương trình khảo sát, điều tra, xây dựng các điểm trình diễn về những mô hình xen canh hiệu quả và nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm trồng xen.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Danh Võ)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>