Thông tin hội viên

Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An: Đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử

13/05/2021

Dịch Covid-19 làm hạn chế việc di chuyển, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ làm việc tại nhà, đã khiến xuất khẩu gỗ nội thất qua kênh thương mại điện tử phát triển rất nhanh thời gian gần đây. Từ năm 2020, cùng với việc duy trì đơn hàng ở các thị trường truyền thống, Công ty Chế biến Gỗ Thuận An (TAC) đã mở showroom 3D để giới thiệu sản phẩm do chính công ty thiết kế ngay tại Việt Nam.


Kín đơn hàng nhờ showroom 3D trên kênh online

Việc mở showroom 3D trên kênh online là một bước đột phá mà Gỗ Thuận An thực hiện để giới thiệu, tìm kiếm các đơn hàng mới được nhiều và tốt hơn. Dù chịu tác động từ Covid-19, tổng doanh thu năm 2020 của công ty vẫn đạt hơn 591 tỷ đồng (đạt 91,3% kế hoạch), trong đó có sự đóng góp lớn từ kênh thương mại điện tử.
Bàn ăn kiểu cổ điển, thiết kế hiện đại là sản phẩm bán chạy của Gỗ Thuận An
Bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An, chia sẻ: Từ tháng 4/2020, khách hàng giãn đơn hàng từ 2 tuần đến 2 tháng. Đến giữa năm 2020, Công ty mới bắt đầu xuất lại các đơn hàng mà khách đã đặt hàng trước đó. Khi không có dịch bệnh, việc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trực tiếp sẽ dễ dàng giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Tuy nhiên, hình thức này có nhược điểm là sản phẩm cồng kềnh, không thể nào di chuyển một lúc hàng trăm mẫu mã khác nhau đến hội chợ. Hiện tại, các sự kiện xúc tiến thương mại, trong đó có các hội chợ, triển lãm đồ gỗ ở nước ngoài đang hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Thương mại điện tử là giải pháp vừa giúp công ty kết nối với bạn hàng, vừa giảm giá thành sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh.
“Showroom 3D trên kênh online là một hình thức bán hàng được ưa chuộng trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Và khi dịch được khống chế, sẽ có nhiều khách hàng đến tham quan trực tiếp sau khi đã biết đến showroom của Gỗ Thuận An. Lúc đó, Công ty lại có điều kiện tự tin để lựa chọn khách hàng với các đơn hàng có giá trị gia tăng cao hơn” – bà Xuyến chia sẻ.
Chú trọng xuất khẩu gỗ tinh chế theo mẫu mã công ty tự thiết kế
Thị trường nhà ở của Mỹ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là nguyên nhân và cũng là cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu gỗ nội thất. Đồng thời, dịch Covid-19 làm hạn chế việc di chuyển, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ làm việc tại nhà ở nhiều nước, cũng khiến xuất khẩu gỗ nội thất phát triển rất nhanh thời gian gần đây.
Gỗ Thuận An có nguồn nguyên liệu gỗ cao su dồi dào phục vụ cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng của thị trường quốc tế. Với đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, có nhiều sản phẩm sáng tạo độc đáo, nên ngay từ đầu năm 2021, Thuận An đã nhận được 75% đơn hàng xuất khẩu cho cả năm. Trong đó có những đơn hàng do chính Thuận An thiết kế và được khách hàng ưa chuộng như: bàn ăn kiểu cổ điển, bộ giường ngủ rỗng đơn giản…
Năm 2021, Gỗ Thuận An mạnh dạn nâng tổng doanh thu dự kiến đạt hơn 593 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23,6 tỷ đồng. Trong đó, TAC sẽ tiếp tục phát triển kênh thương mại điện tử, tạo ra thêm nhiều kênh mua sắm online. Các dòng sản phẩm xuất khẩu cũng được cải tiến theo hướng lắp ráp đơn giản, gọn nhẹ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Sắp tới, TAC vẫn tập trung đẩy mạnh dòng sản phẩm gỗ tinh chế nhưng chú trọng hơn vào các mẫu mã do chính công ty thiết kế và sản xuất. Điều này sẽ giúp công ty chủ động tìm kiếm khách hàng mới với đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời tự sản xuất các chi tiết kết hợp trong đồ nội thất nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài.
Thời gian qua, giá nguyên liệu trong và ngoài nước tăng từ 10 - 30%, nhưng đàm phán tăng giá bán sản phẩm không hề dễ. Vì thế, công ty phải thực hiện nhiều giải pháp tăng năng suất và tiết kiệm chi phí… Khách hàng nhập khẩu có nhu cầu rất đa dạng các loại gỗ chế biến. TAC cũng phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu.
Tình hình thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có nhiều cải thiện, các đơn hàng sẽ còn tiếp tục đổ về Việt Nam. TAC cũng có đơn hàng xuất khẩu kín cả năm 2021, cũng đang sản xuất với 130% công suất và sắp mở thêm nhà máy mới ở Bình Phước. TAC không chủ quan, mà chỉ mở rộng sản xuất trong mức độ có thể kiểm soát để hạn chế rủi ro.
Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng. Nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su sẽ gia tăng. Trong điều kiện nguồn nguyên liệu đầu vào ngày càng hạn chế, mục tiêu của VRG trong 5 năm tới là tăng gấp đôi sản phẩm tinh chế so với hiện nay thay vì chỉ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm gỗ thô. Tập đoàn dự kiến sẽ hình thành một khu công nghiệp với quy mô lớn, chuyên về ngành chế biến gỗ ở khu vực Đông Nam Bộ. Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển các công ty chế biến gỗ của Tập đoàn, vừa tạo hạ tầng để phát triển ngành gỗ ở khu vực mà chế biến gỗ phát triển sôi động nhất nước.
Tuệ Linh, nguồn: Tạp chí Cao su Việt Nam số 578 ngày 01/5/2021, (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>