Tin tức

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp săm lốp có thể suy giảm

19/02/2016

 Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), cạnh tranh trong lĩnh vực săm lốp sẽ tăng cao, đặc biệt là cạnh tranh với các doanh nghiệp săm lốp Trung Quốc.


 Sản phẩm săm lốp Trung Quốc có giá thấp hơn 10% – 15% so với săm lốp Việt Nam, mức chiết khấu của các doanh nghiệp săm lốp Trung Quốc cũng cao hơn 5 – 8 lần so với của các doanh nghiệp Việt Nam khiến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp săm lốp trong nước giảm xuống.

BSC cho rằng điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ, buộc các doanh nghiệp săm lốp phải giảm giá bán hoặc tăng chi phí bán hàng. Trong khi đó, giá cao su năm 2016 được dự báo nhích nhẹ lên khoảng 3% so với năm 2015. Do đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp săm lốp trong nước có thể suy giảm.
Trong số các doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) có lợi thế trong phân khúc lốp xe tải, sở hữu nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn hỗ trợ đắc lực cho việc tiêu thụ sản phẩm và tiết giảm chi phí bán hàng. Do đó, BSC đánh giá DRC là doanh nghiệp có khả năng duy trì thị phần và tăng trưởng tốt nhất ngành.
Năm 2015, sản lượng tiêu thụ lốp bias (mành chéo) của DRC tăng 10% lên 2,3 triệu lốp, sản lượng tiêu thụ lốp radial (mành hướng tâm) đạt 174.000 lốp, đạt 58% công suất, thấp hơn 27% so với kế hoạch đầu năm.
Do chưa đạt sản lượng hòa vốn, DRC vẫn tiếp tục lỗ đối với nhà máy lốp radial (biên lợi nhuận gộp là âm 6% trong 6 tháng cuối năm 2015). Giá bán sản phẩm giảm trung bình từ 7% – 10% do cạnh tranh cao.
Kết quả kinh doanh năm 2015, DRC đạt 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 415 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014 chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí bán hàng trong kỳ.
Kế hoạch kinh doanh 2016, DRC đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.778 tỷ đồng, tăng 14%, lợi nhuận trước thuế sẽ không thấp hơn năm 2015, tương ứng không thấp hơn 532 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp trong ngành săm lốp khác là Công ty CP Cao su Miền Nam (Casumina – CSM), năm 2015, CSM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.636 tỷ đồng, tăng 14%, lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 12% trong năm 2015.
Nếu loại trừ doanh thu và lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ước tính của CSM đạt lần lượt là 3.235 tỷ đồng, tăng 2% và 241 tỷ đồng, giảm 27%.
So với 3 quý đầu năm, kết quả kinh doanh quý 4/2015 của CSM cao hơn, đạt 89 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, BSC lưu ý, sự cải thiện này không đến từ hoạt động cốt lõi mà chủ yếu là do Công ty không còn phải hạch toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do USD tăng giá so với VND như 2 quý đầu năm. CSM có khoản nợ bằng USD trị giá 22 triệu USD, ghi nhận lỗ tỷ giá lần lượt là 14 tỷ đồng và 23 tỷ đồng trong quý 2/2015 và quý 3/2015.
Lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi loại trừ doanh thu, chi phí tài chính là 105 tỷ đồng, tương đương quý 2/2015 và quý 3/2015. BSC dự báo kết quả kinh doanh năm 2016 của CSM có thể giảm do sản lượng tiêu thụ lốp radial tăng chậm, chưa đạt điểm hòa vốn (ước tính đạt 100 nghìn lốp, tương đương 29% công suất thiết kế).


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>