Tin tức

Các tổ chức quốc tế nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam

16/01/2023

Việt Nam được đánh giá đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, sau hai năm chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 và là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 


IMF: Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Chiều ngày 10/01/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Antoinette Sayeh, đang có chuyến thăm làm việc đầu tiên tới Việt Nam.
 
Bà Antoinette Sayeh đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế
 có thành tích tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bà Antoinette Sayeh đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với những chính sách phù hợp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, kiểm soát lạm phát, linh hoạt trong chính sách tỷ giá… “IMF sẽ tiếp tục ghi nhận, chia sẻ những kinh nghiệm từ sự phát triển của Việt Nam với các quốc gia khác; luôn nỗ lực hết sức để cung cấp các tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam duy trì và phát huy được những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua”, bà Antoinette Sayeh bày tỏ. Bà Antoinette Sayeh cũng hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, những giải pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm thực hiện cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi năng lượng, tiếp cận với các nguồn vốn nhằm đạt được mục tiêu về thích ứng biến đổi khí hậu; cam kết IMF sẽ tiếp tục đưa ra những tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Chuyên gia Hoa Kỳ nhận định về những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Theo bài viết, xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022
ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhập khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN
Trang web Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) mới đây đăng bài viết của Giáo sư David Dapice, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, thuộc Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard của Hoa Kỳ, nhận định kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, sau hai năm chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Các dự báo cho thấy mức tăng trưởng thực GDP của Việt Nam trong năm 2022 thấp hơn so với mức 8,8% trong 9 tháng đầu năm. Theo bài viết, xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhập khẩu, theo đó đạt thặng dư thương mại ở mức khiêm tốn. Du lịch đã phục hồi từ mức thấp của năm 2021, từ đó hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ. Sản xuất và công nghiệp của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm tăng, nhưng mức tăng chậm hơn so với đầu năm. Các đơn đặt hàng xuất khẩu chậm lại, dẫn đến nguy cơ nhiều công nhân nhà máy có thể mất việc làm. Đây là một mối lo ngại nếu xu hướng này gia tăng trong năm 2023. Ngoài ra, có những vấn đề liên quan đến các công ty bất động sản.
Tuy nhiên, Giáo sư Dapice nhận định kinh tế Việt Nam có những điểm mạnh để bù đắp những thách thức. Theo đó, lạm phát được ghi nhận ở mức thấp một con số; mức giảm giá đồng nội tệ so với đồng USD thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Với chính sách tài khóa siết chặt, hầu hết các ngân hàng Việt Nam ở thế mạnh nguồn vốn dồi dào, trừ một số ít ngoại lệ. Dòng vốn cao và việc hiện thực hóa đầu tư nước ngoài đồng nghĩa khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, sẽ có một dòng luân chuyển lao động từ ngành nông nghiệp năng suất thấp sang ngành sản xuất năng suất cao hơn. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản ở các thành phố, mặc dù dân số tăng chậm hơn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới.
Bài viết cho rằng trong năm 2023, động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam có thể sẽ không còn là xuất khẩu hoặc chi tiêu tiêu dùng – vốn đã tăng mạnh trong năm 2022. Thay vào đó là sự phục hồi của ngành du lịch khi Trung Quốc mở lại biên giới sau ba năm đóng cửa phòng chống dịch, cùng với chính sách của Chính phủ Việt Nam tăng mạnh đầu tư sẽ thúc đẩy kinh tế hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6,5%. Đây là một mục tiêu tham vọng và có thể khó khăn nếu nền kinh tế thế giới, hoặc ít nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc yếu đi. Tuy nhiên, bài viết khẳng định rằng trong năm 2023, nếu không có thiên tai lớn, Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế miễn là môi trường toàn cầu tiếp tục cải thiện

Minh Châu, PV, nguồn: https://baochinhphu.vn/pho-tong-giam-doc-imf-viet-nam-la-mot-trong-nhung-nen-kinh-te-co-thanh-tich-tot-nhat-khu-vuc-chau-a-tbd-102230110204932536.htm, https://bnews.vn/chuyen-gia-my-nhan-dinh-ve-nhung-dong-luc-thuc-day-tang-truong-kinh-te-viet-nam/276414.html, ngày 08 & 10/01/2023  (HG tổng hợp & trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>