Tin tức

Cảnh báo bệnh hại mặt cạo cao su mùa mưa

09/07/2018

 Bệnh loét sọc mặt cạo do nấm Phytophthora palmivora và Phytophthora botryosa và bệnh thối vỏ Fusarium do nấm Fusarium equiseti gây ra, là 2 bệnh gây hại mặt cạo thường xuất hiện trên vườn cây kinh doanh vào mùa mưa. Bệnh phá hủy mặt cạo và phát triển lên mặt cạo tái sinh cũng như vỏ nguyên sinh, đưa đến hậu quả làm mất diện tích mặt cạo và khó khăn cho việc cạo mủ sau này.


 

Bệnh loét sọc mặt cạo
Hiện nay, các vùng trồng cao su chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã chính thức bước vào mùa mưa là mùa có nhiều loại bệnh tấn công cây cao su vì điều kiện thời tiết khí hậu (ẩm độ, nhiệt độ) rất thuận lợi cho nhiều loài nấm bệnh phát sinh, phát triển. Bệnh loét sọc mặt cạo và bệnh thối vỏ Fusarium là 2 bệnh gây hại mặt cạo đã bắt đầu xuất hiện trên một số vườn cây.
Trước tình hình trên, VRG đã có công văn đề nghị các Công ty thực hiện các công việc sau:
1. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, để phát hiện sớm và kịp thời phòng trị bệnh nhằm giảm bớt thiệt hại và hạn chế lây lan.
2. Tiến hành xử lý phòng trị đối với từng loại bệnh cụ thể như sau:
+  Bệnh loét sọc mặt cạo: áp dụng theo điều 176 Quy trình Kỹ thuật cây cao su 2012 và điều 33 “Quy trình Kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017”:
- Không cạo khi mặt cạo còn ướt và cạo phạm; Cạo đúng kỹ thuật và diệt cỏ dại; Vùng bị rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo nặng nên giảm chu kỳ cạo hoặc nghỉ cạo trong thời gian mưa dầm; Dùng máng chắn mưa hoặc mái che mưa.
- Bôi thuốc trị khi mặt cạo bị bệnh 10 ngày/lần, số lần bôi: 3 lần. Sử dụng chế phẩm LSMC 99 hoặc thuốc metalaxyl + mancozeb (Ridomil Gold 68WG, Mexyl MZ – 72) nồng độ 2% phối hợp thêm chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1%; quét băng rộng 1 – 1,5 cm trên miệng cạo sau khi thu mủ.
- Bôi phòng định kỳ 1 tháng/lần vào mùa mưa dầm ở khu vực có nguy cơ cao, giống mẫn cảm hoặc khi vườn cây bị rụng lá mùa mưa.
+  Bệnh thối vỏ Fusarium: áp dụng theo điều 35 “Quy trình Kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017”:
Bệnh thối vỏ Fusarium
- Ngưng cạo các cây bị bệnh, tiến hành xử lý bằng chế phẩm LSMC 99; thuốc  metalaxyl (Vilaxyl 35WP…) nồng độ 1% hoặc hỗn hợp metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP…) nồng độ 2% phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1% cho toàn bộ cây cạo trên lô nhiễm bệnh 10 ngày/lần, số lần bôi: 3 lần. Khi cây hết bệnh, cho mở cạo lại vào những ngày nắng ráo.
- Các lô liền kề lô nhiễm bệnh cần phải bôi thuốc phòng bệnh cho toàn bộ cây cạo 1 tháng/lần trong mùa mưa.
- Các cây mới mở cạo, bôi thuốc đều toàn bộ mặt cạo. Các cây cạo khác, bôi thuốc đều trên miệng cạo và thành băng rộng 1 – 1,5 cm trên phần vỏ tái sinh sát miệng cạo. Lưu ý bôi kỹ miệng tiền và miệng hậu. Đối với vết rập ranh tiền, hậu bôi thuốc kín vết rập.
- Lưu ý sát trùng dao bằng các loại thuốc nêu trên nhằm hạn chế bệnh lây lan qua dao cạo.
Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam), nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/ky-thuat-cao-su/canh-bao-benh-hai-mat-cao-cao-su-mua-mua.html, ngày 29/6/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>