Tin tức

Cởi trói về cơ chế cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp

22/05/2023

 Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

 

 

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

 

Lê Minh Hoan. Ảnh: TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%. Để có được điều này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu khoa học, công nghệ phải được cởi trói về cơ chế để có thế phát huy giá trị này. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ những tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu là giảm chi phí. Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.
Để phát huy khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới, ông Cao Đức Phát, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Bộ cần xác định rõ những trọng tâm trong nghiên cứu để có kế hoạch, đáp ứng sát các nghiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Cao Đức Phát, nếu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các đơn vị tự chủ sẽ phải thuê đất có khi trở thành gánh nặng với các viện nghiên cứu và chưa chắc phát huy nguồn lực từ đất, bởi các cơ quan nghiên cứu, đào tạo phải có đất.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nghiên cứu khoa học, công nghệ phải đi trước một bước. Thời gian vừa qua, nhiều đề tài nghiên cứu đều giải quyết những vấn đề thực tiễn đã xảy ra. Điển hình như bệnh khảm lá sắn, trong khi thế giới đã nghiên cứu từ rất lâu còn Việt Nam thì khi xảy ra bệnh mới bắt tay vào chạy theo nghiên cứu, dẫn đến hiệu quả rất thấp.“Trong giai đoạn này, kinh tế tri thức phải được đặt lên thì mới tạo  được động lực cho các nhà khoa học. Điển hình vừa qua, thông tin truyền thông nêu tại sao các nhà khoa học được hưởng lương nhà nước nghiên cứu khoa học nhưng sản phẩm lại được thương mại. Nếu nhìn nhận như vậy khó tạo được động lực cho nhà khoa học”, ông Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề.
Với cơ chế thanh quyết toán hiện nay, ông Cao Đức Phát nêu thực trạng, nhiều người e ngại làm chủ nhiệm đề tài. Việc thanh quyết toán đang bị “phiền phức”, mất nhiều thời gian, tổn hao nhiều tâm lực của các nhà khoa học mà đáng ra dành cho nghiên cứu, thậm chí còn có nguy cơ rủi ro không đáng có. Chủ trương là khuyến khích, nhưng cơ chế lại vướng nên cần sớm có điều chỉnh. Cũng liên quan đến cơ chế thanh toán, GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng nếu khoán đến sản phẩm cuối cùng là quá khó. Cùng với đó, thủ tục thanh toán cũng quá khó. Bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần có cơ chế cho phép thêm các sản phẩm trung gian trong từng giai đoạn, để tháo gỡ hơn cho các nhà khoa học.
Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề xuất áp dụng cơ chế “lấy thị trường nuôi thị trường”. Đó là lập các quỹ phi ngân sách tập trung, thêm 0,5% – 1% giá xuất khẩu từng lô hàng để lập quỹ. Với 11 tỷ USD xuất khẩu thủy sản chúng ta có quỹ với hơn 100 triệu USD phát triển ngành thủy sản; trong đó có việc đặt hàng cho các viện nghiên cứu, không phải hạch toán theo ngân sách. Điều này sẽ giảm đi nhiều nỗi khổ của các nhà khoa học, ông Nguyễn Hữu Dũng đề xuất.

 

 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>