Tin tức

Giá cao su thiên nhiên trong tuần từ ngày 29/02 đến 04/3/2016

07/03/2016

 Trong tuần từ ngày 29/02 đến 04/3/2016, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE đều đồng loạt tăng so với cuối tuần trước. Kết thúc tuần, ngày 04/3, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 8/2016 là 1.532 USD/tấn, tăng 11,1% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 4/2016 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.322 USD/tấn (+16,5%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) chào bán ở mức 1.300 USD/tấn (+14,2%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam vẫn ở mức 1.250 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.


 Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần

- Chính phủ của các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia – thành viên của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) – đã thống nhất việc thực hiện Kế hoạch thỏa thuận hạn mức xuất khẩu (AETS) từ ngày 01/3/2016 đến tháng 8/2016. Theo đó, ba nước sẽ cắt giảm 615.000 tấn cao su thiên nhiên xuất khẩu. Cuộc họp do Công ty Cao su quốc tế tổ chức nhằm lấy ý kiến và đảm bảo sự cam kết của các quốc gia thành viên. Các Chủ tịch/đại diện của Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA), Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo) và Sở Giao dịch Cao su Malaysia đã cam kết và đảm bảo tuân thủ theo AETS.
Nguồn: http://irco.biz, Media Statement by the International Rubber Consortium (IRCo) on 4th Agreed Tonnage Sheme (AETS), ngày 01/3/2016 (Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam dịch)  
- Ngày 29/02, bên lề sự kiện gặp gỡ giao thương sản phẩm cao su do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức, ông Von Bundit – Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Thái Lan đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Runlian (Thanh Đảo), Công ty XNK Han Qing và Công ty Công nghiệp Ting Qing (Thượng Hải) về việc bán 110.000 tấn cao su. Sự kiện này đã thu hút 147 đối tác mua hàng tiềm năng từ 28 quốc gia, được kỳ vọng tạo ra tổng giá trị giao dịch khoảng 10 tỷ baht (281 triệu USD).
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam lược dịch (Hiền Bùi), nguồn:http://www.bangkokpost.com/business/news/881012/asean-rubber-producers-will-cut-exports, ngày 01/3/2016 
- Chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 29/02/2016 phần lớn đi xuống sau khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bế mạc tại Thượng Hải (Trung Quốc) mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vốn đang ảm đạm. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 2,7%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm khoảng 0,1%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng thoái lui 1%.
- Phiên ngày 29/02/2016, USD tiếp tục giảm so với Yên khi hoạt động sản xuất tháng 02/2016 của Hoa Kỳ suy giảm, dấy lên lên lo ngại kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái. Ngoài ra, USD giảm giá khi giới đầu tư đổ tiền mua Yên – tài sản trú ẩn an toàn – sau khi các nhà lãnh đạo G20 không đưa ra được hành động chính sách phối hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chốt phiên, USD giảm 1,1% so với Yên xuống 112,74 JPY/USD.
- Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào ngày 29/02/2016, kể từ ngày 01/3/2016, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 17% đối với các ngân hàng lớn nhất. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những mức cao nhất trên thế giới. Động thái này đánh dấu việc Trung Quốc quay trở lại với các biện pháp nới lỏng truyền thống nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế.
- Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 02/2016 của Trung Quốc giảm xuống 49 điểm, thấp hơn so với 49,4 điểm dự đoán của các nhà kinh tế học trong khảo sát Bloomberg. Một dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc là chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
- Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại Cao su Nhật Bản, dự trữ cao su tại Nhật Bản tính đến ngày 20/02/2016 là 14.553 tấn, tăng 4,8% so với mức dự trữ trước đó.
- Giá dầu phiên ngày 02/3/2016 tiếp tục tăng đó bất chấp số liệu cho thấy lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ tuần qua tăng mạnh và cảnh báo sắp hết chỗ chứa dầu. Trước đó (01/3), giá dầu lên cao nhất 2 tháng sau khi Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết, phần lớn các nước sản xuất dầu thô chủ chốt đã đồng ý đóng băng sản lượng ở mức của tháng 01/2016. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Hoa Kỳ giao tháng 4/2016 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,8%, lên 34,66 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,3%, lên 36,93 USD/thùng.
- Tâm lý lạc quan đã lan rộng trên các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 03/3/2016. Thị trường được hậu thuẫn nhờ báo cáo của công ty nghiên cứu ADP (Hoa Kỳ) cho biết khu vực tư nhân của Hoa Kỳ đã tạo thêm được 214.000 việc làm trong tháng 02/2016, nhiều hơn so với mức dự kiến là 190.000 việc làm. Số liệu khả quan phát đi từ thị trường việc làm Hoa Kỳ, quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc và triển vọng về một thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu mỏ giữa Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất dầu mỏ khác là những nhân tố tích cực góp phần củng cố tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Cuối phiên, chứng khoán Tokyo của Nhật Bản tăng 1,3%, chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) nhích thêm 0,4%...
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 29/02 – 04/3/2016
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 8/2016 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm nhẹ trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng bởi thông tin Hội nghị G20 bế mạc vào cuối tuần trước mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vốn đang ảm đạm và góp phần kéo đồng USD giảm giá so với Yên. Tuy nhiên, trong các phiên còn lại, giá cao su đã tăng liên tục nhờ tín hiệu tích cực từ việc quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong nước và sự phục hồi của thị trường chứng khoán châu Á vào cuối tuần.
Giá cao su thiên nhiên cũng tăng ngay sau khi Hiệp hội Cao su Việt Nam xác nhận ủng hộ giải pháp cắt giảm xuất khẩu và tăng cường tiêu thụ nội địa của Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong cuộc họp ngày 26/02/2016 tại Singpore cùng với ba nước này; như vậy, bốn nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu đã thỏa thuận giảm xuất khẩu từ tháng 3 đến tháng 8/2016. Bên cạnh đó, giá tăng còn nhờ nguồn cung đã thu hẹp đáng kể do nhiều nơi tạm dừng thu hoạch mủ khi cây cao su rụng lá trong mùa khô hàng năm và giá dầu thô tăng lên, đạt 35,92 USD/thùng (dầu WTI) ngày 04/3/2016 sau khi giảm xuống dưới 30 USD/thùng vào giữa tháng 02/2016, cũng là yếu tố nâng đỡ giá cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp. Kết thúc tuần (04/3), giá cao su RSS 3 giao tháng 8/2016 (TOCOM) đạt 1.532 USD/tấn, tăng 160 USD/tấn (+11,6%) so với ngày đầu tuần (29/02) và tăng 154 USD/tấn (+11,1%) so với ngày cuối tuần trước (26/02).
Nguồn: VRA tổng hợp từ http://www.tocom.or.jp/souba/rubber/index.html
Kết thúc tháng 02/2016, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.363 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 49 USD/tấn (+3,8%) so với mức giá trung bình tháng 01/2016 nhưng giảm 450 USD/tấn (-24,8%) so với tháng 02/2015.
Nguồn: VRA tổng hợp từ http://www.tocom.or.jp/souba/rubber/index.html
Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM (Singapore) tuần qua biến động tương tự như giá cao su RSS 3 tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần, ngày 04/3, giá cao su TSR 20 giao tháng 4/2016 đạt 1.322 USD/tấn, tăng 188 USD/tấn (+16,6%) so với ngày đầu tuần và tăng 187 USD/tấn (+16,5%) so với ngày cuối tuần trước (26/02).
Kết thúc tháng 02/2016, giá TSR 20 trung bình của hợp đồng giao sau 1 tháng trên sàn SICOM đạt 1.087 USD/tấn, tăng nhẹ 3 USD/tấn (+0,3%) so với trung bình tháng 01/2016 nhưng giảm 327 USD/tấn (-23,2%) so với tháng 02/2015.
Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán tăng liên tục trong tất cả các phiên giao dịch trong tuần qua. Kết thúc tuần, ngày 04/3, giá SMR 20 đạt 1.300 USD/tấn, tăng 156 USD/tấn (+13,6%) so với ngày đầu tuần và tăng 162 USD/tấn (+14,2%) so với ngày cuối tuần trước.
Nguồn: VRA tổng hợp từ http://www3.lgm.gov.my/mre/MonthlyPrices.aspx
Kết thúc tháng 02/2016, giá SMR 20 trung bình do MRB chào bán đạt 1.103 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn (+1,2%) so với trung bình tháng 01/2016 nhưng giảm 307 USD/tấn (-21,8%) so với tháng 02/2015.
Nguồn: VRA tổng hợp từ http://www3.lgm.gov.my/mre/MonthlyPrices.aspx
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 29/02 – 04/3/2016
Trong tuần từ 29/02 – 04/3/2016, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán tiếp tục giữ ổn định, giá SVR 3L xuất khẩu chào bán vẫn là 1.250 USD/tấn.
Nguồn: www.vra.com.vn
Kết thúc tháng 02/2016, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.250 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn (+1,1%) so với mức trung bình trong tháng 01/2016, nhưng giảm 297 USD/tấn (-19,2%) so với tháng 02/2015.
Nguồn: www.vra.com.vn
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Thanh Danh)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>