Tin tức

Giảm suất đầu tư: Khó nhưng tiếp tục làm

08/03/2016

 Năm 2016, ngành cao su còn gặp nhiều khó khăn và để tồn tại, phát triển thì không còn cách nào khác là phải tiếp tục giảm suất đầu tư (SĐT). Việc giảm SĐT là yêu cầu cấp thiết từ tình hình thực tiễn của ngành, nói cách khác giảm SĐT là vấn đề sống còn đối với ngành cao su.


 Tiết giảm suất đầu tư để tồn tại

Năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã giảm SĐT so với các năm trước 30%, việc thực hiện của các đơn vị (trừ một vài đơn vị đã triển khai theo định mức cũ trước thời điểm có quyết định của Tập đoàn phải sử dụng nguồn dự phòng để bù đắp) đều đảm bảo dự toán không vượt SĐT chung. Từ tình hình thực tế của ngành cao su hiện nay, để đảm bảo hiệu quả thì ngoài việc tiết giảm chi phí trực tiếp, các chi phí vốn gồm khấu hao và lãi vay phải được khống chế.
Tại Hội nghị giao kế hoạch năm 2016, Tổng Giám đốc VRG – Trần Ngọc Thuận – khẳng định: “Năm 2016 dự báo sẽ là năm khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2015 nhưng chúng tôi tin tưởng với bản lĩnh, truyền thống và tâm huyết của tập thể CBCNVC – LĐ, ngành cao su sẽ vững vàng vượt qua. Muốn tồn tại và đứng vững trong gian khó phải tiết giảm SĐT, năm 2015 Tập đoàn chủ trương tiết giảm 30% SĐT và các đơn vị đã thực hiện rất tốt. Các đơn vị phải tỉnh táo, bình tĩnh để có giải pháp vượt qua khó khăn”.
“Năm nay, việc tiết giảm SĐT phải phù hợp với thực tiễn và năng lực của từng đơn vị để đầu tư phù hợp. Các đơn vị phải quyết liệt trong việc thực hiện tiết giảm SĐT, chỉ đầu tư những hạng mục tối cần thiết cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ vườn cây, giảm chi phí quản lý chung… Việc tiết giảm giá thành theo hướng không để sản xuất lỗ, phải có lời. Vì vậy, các đơn vị phải phân tích chi tiết từng yếu tố từ quản lý đến các khâu như chế biến, bán hàng, khấu hao tài sản để tính toán cho hợp lý. Chủ trương chung của VRG là giảm SĐT nhưng phải giữ mức thu nhập cho NLĐ, mức thu nhập năm 2016 phải tương đương năm 2015”, ông Thuận đề nghị.
Tùy tình hình thực tế của đơn vị để linh hoạt tiết giảm
Căn cứ vào thực tế sinh trưởng của vườn cây và yêu cầu quy trình kỹ thuật, việc triển khai trồng xen của các đơn vị, mức giảm SĐT cho vườn cây trồng mới tái canh năm 2015 dự kiến dao động từ 15 – 20%, tùy thuộc vào từng vùng, từng hạng đất. Về SĐT năm 2016, Tập đoàn định hướng giữ cố định chi phí chung như SĐT năm 2015. Mức chi phí chung này là chi phí cố định không lệ thuộc vào việc tăng giảm chi phí trực tiếp. Các đơn vị căn cứ vào giá trị này để định biên bộ máy quản lý, phương án trả lương và xây dựng kế hoạch chi tiêu phù hợp.
Bên cạnh đó, các công ty phải chủ động phân bổ định mức lao động, tăng cường sử dụng lao động thời vụ để giảm các khoản phải chi trong chi phí chung. Đối với vườn cây từ năm thứ 4 trở đi chỉ bón 65% định lượng phân bón so với SĐT năm 2015. Riêng các khu vực đất có độ phì nhiêu tốt, vườn cây tăng trưởng vượt quy trình, công ty có thể chủ động cắt giảm định lượng phân bón để tránh lãng phí. Về việc chăm sóc vườn cây trồng từ năm 2015 về trước, dự kiến chăm sóc các vườn cây năm thứ 2, 3 giảm khoảng 10% và từ năm thứ 4 trở đi giảm từ 20 – 30% so với SĐT đã duyệt.
Ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG – cho biết: “Để thực hiện tốt chủ trương tiết giảm SĐT, các đơn vị cần chú ý triển khai các biện pháp sau: Sử dụng nhịp độ cạo d4 trên diện tích mới ngay từ đầu mùa cạo. Chuẩn bị triển khai nhịp độ cạo d5, d6 để tránh trường hợp thiếu lao động. Sử dụng đúng và đủ chất kích thích trên vườn cây. Linh hoạt độ tuổi thanh lý vườn cây. Không bón phân trên vườn cây khai thác có tốc độ sinh trưởng bình thường, trừ những trường hợp đặc biệt. Năng động trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tùy tình hình thực tế của vườn cây để các đơn vị áp dụng thực hiện tiết giảm SĐT cho phù hợp”.
Lâm Khanh, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/giam-suat-dau-tu-kho-nhung-tiep-tuc-lam.html, ngày 08/3/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>