Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Cắt giảm phân bón – tiến thoái lưỡng nan

20/06/2022

Trong bối cảnh nguồn cung phân bón thế giới đang thiếu hụt, khiến nông dân, các công ty và các chính phủ loay hoay ngăn chặn sự sụt giảm (khó tránh) năng suất cây trồng.


 Ông Theo de Jager, Chủ tịch Tổ chức Nông dân Thế giới cho rằng: “Tôi không chắc liệu có thể tránh được khủng hoảng lương thực nữa hay không. Và câu hỏi đặt ra lúc này là nó sẽ tác động sâu, rộng đến mức nào”. Trong một hội nghị trực tuyến gần đây về chủ đề này, ông Jager nói, giá phân bón đã tăng trên dưới 78% so với mức trung bình vào năm 2021, và điều này đang làm phá vỡ hoạt động sản xuất của nông nghiệp. Ở nhiều vùng, nông dân chỉ đơn giản là không có khả năng mua phân bón, hoặc ngay cả khi có tiền họ cũng không chắc có mua được. Và vấn đề nghiêm trọng hơn không chỉ là phân bón, mà còn là hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và nó đòi hỏi một phản ứng toàn cầu. Trong khi đó, hầu hết các phản ứng cho đến nay là khá đặc biệt, từ nông dân cho đến các chính phủ. Cách đây 2 tuần, Hoa Kỳ và nhiều định chế tài chính toàn cầu đã công bố một “kế hoạch hành động” lớn về an ninh lương thực với tổng số viện trợ hơn 30 tỷ USD, với hy vọng ngăn chặn “bóng ma” khủng hoảng lương thực đã lật đổ các chính phủ hồi năm 2008 và 2012.

Khủng hoảng thiếu phân bón đe dọa năng suất cây trồng
thế giới và gây thiếu lương thực trên diện rộng.
Ảnh: PETER ESSICK
Nông dân Hoa Kỳ cũng “ngồi trên lửa”
Trường hợp của ông Rodney Rulon năm nay khá giả hơn nhiều nông dân khác. Là một nông dân tiến bộ ở Arcadia, bang Indiana, ông Rulon đã áp dụng các kỹ thuật không cày xới, che phủ cây trồng và chăn nuôi gà trên 7.200 mẫu ruộng ngô và đậu tương của gia đình mình kể từ năm 1992. Kết hợp với việc kiểm tra sức khỏe đất hàng năm, hộ gia đình ông đã cắt giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học từ 20 đến 30%, tuy nhiên theo ông đó vẫn là một khoản đầu vào lớn nhất của gia đình. Ông Rulon nói: “Chúng tôi đã và đang tiến hành cắt giảm tối đa các khoản chi phí đầu vào, nhất là phân bón trong năm nay. Theo đó với giá 1.200 USD/tấn phốt pho và kali, trong khi năm ngoái chỉ là 450 USD. Còn nitơ cũng chỉ khoảng 500 – 550 USD/tấn nhưng hiện đã hơn 1.000 USD. Có nghĩa là khoản chi lớn nhất của chúng tôi đã đều tăng hơn gấp đôi”.
Tuy nhiên ông Antonio Mallarino, nhà khoa học đất và chuyên gia dinh dưỡng thực vật tại Đại học Bang Iowa cho biết, đây có thể không phải là điều xấu bởi nhân loại đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để khiến nông dân ngừng bón phân hóa học quá mức. “Đối với khoảng từ 50 đến 60% đồng ruộng ở bang Iowa, không cần phải bón P (phốt pho) và K (kali) trong 10 năm mà vẫn không sao”, ông Mallarino nói. Với việc giá ngô đã phá vỡ mốc 8 USD mỗi giạ vào tháng 02, gần với mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào năm 2012, hiện nhiều nông dân Hoa Kỳ đã chuyển sang trồng đậu nành, cây trồng cần ít chất dinh dưỡng hơn và do đó ít tốn kém hơn. Cuộc khảo sát của USDA vừa qua cho thấy, nông dân dự định trồng diện tích kỷ lục 91 triệu mẫu đậu nành trong năm nay, nhiều hơn 4% so với năm ngoái, trong khi diện tích ngô giảm xuống 89,5 triệu mẫu –mức thấp nhất trong 5 năm. Theo ông Mallarino: “Nếu diễn biến chuyển đổi này tiếp tục, nó có thể tốt cho môi trường khi không để nguồn nitơ và phốt pho dư thừa đi vào các sông hồ".
Cơ hội để chuyển đổi sản xuất bền vững
Những người nông dân duy nhất không phàn nàn về phân bón trong năm nay chính là những người theo đuổi xu thế sản xuất hữu cơ, và số lượng ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, từ lâu câu thần chú của họ luôn là “Hãy cung cấp thức ăn cho đất chứ không phải cây trồng”, để tránh lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cho mùa vụ, đồng thời luân canh cây trồng đa dạng và thúc đẩy côn trùng và vi khuẩn có ích trên đồng ruộng của họ.
Ông Jeff Moyer, Giám đốc điều hành của Viện Rodale ở Emmaus, bang Pennsylvania nói, một số loại cây che phủ như đậu tằm có thể tạo ra tới 300-pound (136 kg) nitơ cho mỗi mẫu đất (0,4 ha). Với sự giúp đỡ của Đại học Bang Pennsylvania, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh song song các hệ thống canh tác thông thường và hữu cơ kể từ năm 1981 – cuộc thử nghiệm thực địa này kéo dài lâu nhất ở Bắc Mỹ. Sau giai đoạn chuyển đổi kéo dài 5 năm, họ nhận thấy sản lượng cây trồng hữu cơ không chỉ cạnh tranh với năng suất thông thường mà còn cao hơn tới 40% trong mùa khô hạn. Và điều quan trọng nhất là họ đã mang lại cho người nông dân lợi nhuận gấp từ ba đến sáu lần, đồng thời không thải ra sông, suối, ao, hồ các hóa chất độc hại nào.
 
Ông Moyer nói: “Phân bón chỉ là phần nổi của những vấn đề mà nông dân đang phải đối mặt. Hãy nhìn hai bang Kansas và Nebraska – cả hai nơi đều đang khô hạn nghiêm trọng trong năm nay, cho dù hiện đang là mùa mưa. Với điều kiện biến đổi khí hậu và thời tiết cùng chi phí năng lượng tăng cao, cần phải cách mạng hóa các mô hình sản xuất để giảm thiểu những tác động này”. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền sản xuất hữu cơ bền vững cần phải có thời gian và đó cũng chính là điều mà nhiều nông dân trên thế giới đang theo đuổi.
Theo nhà nghiên cứu năng lượng người Canada Vaclav Smil, hai phần năm nhân loại, tức hơn ba tỷ người vẫn đang sống nhờ phân đạm – nhân tố chính trong cuộc Cách mạng Xanh đã thúc đẩy ngành nông nghiệp vào những năm 1960. Cụ thể là bộ ba phân bón hóa học nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K) đã góp phần giúp tăng sản lượng lương thực toàn cầu lên gấp ba lần và kích thích đà gia tăng dân số khắp thế giới.
Kim Long (Theo Nationalgeographic), nguồn: https://nongnghiep.vn/cat-giam-phan-bon-tien-thoai-luong-nan-d325247.html, ngày 12/6/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>