Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Cuộc chiến chống lạm phát ở các nước giàu

20/06/2022

 Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sĩ đồng loạt nâng lãi suất; châu Âu ngừng mua trái phiếu; còn Nhật Bản ngày càng chịu sức ép vì lạm phát.


Các nền kinh tế có quy mô hàng nghìn tỷ USD đang tất bật trong cuộc chiến chống lạm phát, với vai trò điều phối thuộc về các ngân hàng trung ương. Hôm 15/6, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, FED nâng lãi ở mức này. “FED phải khôi phục sự ổn định giá cả. Đó là nền tảng của nền kinh tế. Nếu không có nó, nền kinh tế sẽ không vận hành như mong đợi”, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu sau khi tăng lãi suất.

Báo Politico cho rằng, các hành động tích cực mới của FED dường như nhằm mục đích trấn an công chúng – những người vốn luôn coi lạm phát là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Nhưng chính sách này cũng làm dấy lên lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể gây ra suy thoái trong nỗ lực giảm lạm phát.
Ông Powell cho rằng đây vẫn là con đường để tránh một cuộc suy thoái toàn diện. “Chúng tôi không cố gắng gây ra suy thoái”, ông nói. FED cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,7% trong cả năm 2022 và 2023, giảm đáng kể so với mức 2,8% và 2,2% mà họ dự báo hồi tháng 3. Ông Powell thừa nhận FED không chỉ đang rút lại các chính sách hỗ trợ áp dụng từ trong đại dịch, mà thực sự có kế hoạch kiềm chế đà tăng trưởng quá nóng. FED đánh cược rằng các bước đi quyết đoán hiện tại sẽ chặn lại được những nỗi đau kinh tế có thể lớn hơn sau này.
Trụ sở của FED. Ảnh: Reuters
Lo ngại lạm phát cũng khiến nhiều ngân hàng trung ương khác nối gót FED. Ngày 16/6/2022, Thụy Sĩ nâng lãi lần đầu trong 15 năm, sau đó, Anh cũng tăng lãi suất theo. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thông báo họp khẩn và chấm dứt chương trình mua trái phiếu. Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng thảo luận cùng Chính phủ về tình trạng đồng Yên yếu, trước thềm cuộc họp hai ngày tuần này.
Sự xáo trộn trong chính sách của các ngân hàng trung ương đã kéo theo xáo trộn trên thị trường. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của FED khiến chứng khoán biến động. Tiền số đang sụp đổ. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu an toàn của Đức kỳ hạn 10 năm và trái phiếu rủi ro của Italy đạt hơn 2,4 điểm phần trăm, chỉ một ngày trước thông báo ngừng mua trái phiếu của ECB. Lợi suất trái phiếu đang tăng. Các loại tiền tệ như Yên Nhật và Bảng Anh cũng mất giá mạnh, do ngân hàng trung ương các nước không theo kịp chính sách nới lỏng của FED.
Báo Economist cho rằng sự hỗn loạn đang diễn ra khi các ngân hàng trung ương cố gắng đạt các mục tiêu mâu thuẫn nhau. FED khẳng định sẽ kiềm chế lạm phát, vốn đã đạt mức 8,6% hàng năm vào tháng 5. Tuy nhiên, Economist cảnh báo họ khó làm được điều này mà không gây ra suy thoái. Công thức chung về cách ngân hàng trung ương nên phản ứng với lạm phát là tăng lãi suất cơ bản. Vì vậy, FED càng mạnh tay, mâu thuẫn giữa hai mục tiêu là giá cả ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ càng tăng.
Trong khi đó, ECB còn phải đối mặt với tình huống còn khó khăn hơn. Tác dụng phụ của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn là bóp nghẹt những quốc gia mắc nợ. Nếu không có hậu thuẫn, khối nợ hiện tương đương hơn 150% GDP của Italy có thể trở nên không bền vững. ECB cho biết sẽ không chấp nhận mối đe dọa mà một cuộc khủng hoảng như vậy gây ra đối với sự toàn vẹn của Eurozone. Nhưng họ cũng không muốn hy sinh mục tiêu lạm phát và cũng không thể chi quá nhiều để bảo lãnh nợ cho các Chính phủ.
Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương (BOJ) đang đánh đổi kinh tế để duy trì ổn định chính sách. Sự suy yếu của đồng Yên có thể giúp nước này đạt mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu đắt đỏ đang tăng áp lực lên sức mua, khiến Chính phủ căng thẳng. Đầu tháng này, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã phải xin lỗi vì các hộ gia đình vì vật giá leo thang. Sức ép lên BOJ càng tăng khi lạm phát leo thang trong nước, các ngân hàng trung ương khác thì tăng lãi suất và giá Yên xuống thấp nhất 24 năm so với USD. BOJ sẽ nhóm họp trong tuần này để quyết định về chính sách kiểm soát “đường cong lợi suất”. “Căng thẳng đang tăng với việc ra quyết định của BOJ”, ông Katsutoshi Inadome, Chiến lược gia tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ở Tokyo, đánh giá.
Trong tình hình này, các giải quyết của các ngân hàng trung ương áp dụng trong thập niên trước không có tác dụng. Bởi lẽ, nó được xây dựng trên kịch bản lạm phát toàn cầu và lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp. Cùng với đó, đảo chiều chính sách tiền tệ là động thái hiếm khi xảy ra, vì cơ quan quản lý không muốn gây bất ngờ cho thị trường bằng cách làm khác đi kế hoạch đã công bố. Ngay cả quyết định của FED trong tuần này cũng đã được đồn đoán trước hai ngày.
Economist cho rằng chính viêc hạn chế những thay đổi ngoài kế hoạch đã khiến các ngân hàng trung ương chậm chân. Kết quả là thị trường và lãi suất càng biến động nhiều hơn, thay vì dần ổn định. Với các mục tiêu mâu thuẫn nhau và diễn biến phía trước khó dự đoán, các ngân hàng trung ương sẽ phải rất nhanh nhẹn để đối phó.
Trong bốn cuộc họp còn lại trong năm nay, FED dự kiến nâng lãi suất lên mức từ 3,25% đến 3,5%, cao hơn nhiều so với trước đó. Ngay cả trong trường hợp trên, FED cũng không hy vọng kiểm soát được hoàn toàn lạm phát năm nay, bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của họ như khủng hoảng tại Ukraine hay Trung Quốc phong tỏa chống dịch. Hiện tại, FED hy vọng lạm phát Hoa Kỳ năm nay sẽ ở mức 5,2% và năm sau giảm về 2,6 %. Cả hai con số trên vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Phiên An (theo The Economist, Politico, Bloomberg), nguồn: https://vnexpress.net/cuoc-chien-chong-lam-phat-o-cac-nuoc-giau-4476731.html, ngày 17/6/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>