Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Liên Hợp Quốc: Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 2,5% trong năm 2020

20/01/2020

Theo Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới (WESP) 2020 được Liên Hợp Quốc công bố tại trụ sở ở New York, Mỹ, ngày 16/01, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 2,5% trong năm 2020, nhưng sự gia tăng các căng thẳng thương mại, tình hình bất ổn tài chính, hay sự leo thang những căng thẳng địa chính trị có thể ngăn cản đà phục hồi.


Trước những căng thẳng thương mại kéo dài, kinh tế toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm qua khi giảm tốc còn 2,3% trong năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho rằng hoạt động kinh tế có thể phục hồi nhẹ trong năm 2020 nếu các nguy cơ được kiểm soát.

Tại Mỹ, các đợt cắt giảm lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hỗ trợ phần nào cho hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, do sự bất ổn kéo dài về mặt chính sách, niềm tin kinh doanh thấp và các chính sách kích thích tài khóa đang yếu dần, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ được dự đoán sẽ giảm từ 2,2% năm 2019 xuống còn 1,7% trong năm 2020.
Tình hình bất ổn trên toàn cầu cũng sẽ tiếp tục kìm hãm hoạt động sản xuất ở Liên minh châu Âu (EU), nhưng tình hình này sẽ phần nào được bù đắp bởi sự tăng trưởng ổn định trong tiêu dùng tư nhân, qua đó giúp tăng trưởng GDP nhích nhẹ từ 1,4% năm 2019 lên 1,6% năm 2020.
Bất chấp nhiều “cơn gió ngược”, Đông Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020.
Theo báo cáo trên, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến đạt 6% trong năm 2020 và 5,9% trong năm 2021 nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ thích ứng, so với mức 6,1% trong năm 2019.
Tăng trưởng ở các nền kinh tế đang nổi lớn khác, bao gồm cả Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến có thêm đà trong năm 2020.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết tiến triển hướng tới tiêu chuẩn sống cao hơn đang chững lại ở nhiều nơi. Châu Phi đã trải qua “một thập kỷ gần như trì trệ” về GDP bình quân đầu người, và nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải chịu ảnh hưởng của đợt sụt giảm giá hàng hóa trong những năm 2014 2016.
Tại 1/3 số nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa, trong đó có nhiều nước như Angola, Argentina, Brazil, Nigeria, Saudi Arabia và Nam Phi, thu nhập thực tế trung bình hiện đang ở mức thấp hơn so với năm 2014.
Bên cạnh đó, số người sống trong nghèo đói cùng cực đã gia tăng ở nhiều nước thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara và nhiều nơi ở Mỹ Latin và Tây Á.
Báo cáo cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế đang bỏ lỡ nhiều khía cạnh quan trọng của sự bền vững và vấn đề sức khỏe. Ngoài tăng trưởng kinh tế, các thước đo sức khỏe khác đang “vẽ ra một bức tranh ảm đạm hơn” ở nhiều nơi trên thế giới. Khủng hoảng khí hậu, tình trạng bất bình đẳng cao dai dẳng, sự thiếu đảm bảo về thực phẩm và thiếu dinh dưỡng ngày càng tăng đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở nhiều nơi.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố báo cáo nói trên, ông Elliott Harris, chuyên gia kinh tế trưởng của Liên Hợp Quốc, cho rằng các nhà hoạch định chính sách không nên chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, mà thay vào đó cần tăng cường sức khỏe của toàn bộ xã hội. Điều này đòi hỏi các nước phải ưu tiên đầu tư vào các dự án phát triển bền vững để thúc đẩy giáo dục, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng bền vững.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho rằng các nước có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạn chế lượng khí thải carbon bằng cách thay đổi hệ thống năng lượng. Để chống lại biến đổi khí hậu, nhu cầu năng lượng đang gia tăng của thế giới phải được đáp ứng bằng các nguồn năng lượng carbon thấp hay năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi phải có những điều chỉnh lớn trong lĩnh vực năng lượng hiện đang chiếm khoảng 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, "sự phụ thuộc quá mức vào chính sách tiền tệ" không chỉ không giúp vực dậy tăng trưởng, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc làm trầm trọng hơn các nguy cơ đối với sự ổn định tài chính.
Một “hệ thống chính sách cân bằng” hơn là cần thiết để kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời hướng đến sự toàn diện xã hội, bình đẳng giới, và hoạt động sản xuất bền vững về mặt môi trường.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>