Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Định vị “trụ đỡ” nông nghiệp – nông thôn

14/02/2022

Giá trị toàn ngành nông nghiệp tăng 2,9% trong năm 2021; tỷ lệ số xã chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra…


 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Năm 2021 được đánh giá là năm đáng tự hào của ngành nông nghiệp với việc tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ của đất nước. Giá trị toàn ngành nông nghiệp tăng 2,9% trong năm 2021; tỷ lệ số xã chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra… Tuy nhiên, xác định mục tiêu chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp,” ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn và những người làm nông nghiệp còn nhiều trăn trở.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đã cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp,” chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo.” Ngành nông nghiệp không tự đóng khung tư duy, nguồn lực, mà đã biết cách huy động nguồn lực, kết nối các sáng kiến từ xã hội. Nhiều diễn đàn hướng đến kích hoạt cơ chế hợp tác công tư, xã hội hóa để bổ sung nguồn lực phát triển. Nhiều hiệp hội ra đời cho thấy một khi xã hội được trao quyền, được kích hoạt, cộng hưởng với sức mạnh của bộ máy quản lý sẽ hình thành hệ sinh thái nông nghiệp.
Tuy vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ngành nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững bao gồm chuẩn hóa vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản; có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường khi chỉ bán nguyên liệu thô; xác định đúng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị.
Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương. Cơn sốt biến động giá nguyên liệu, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp gây nhiều xáo trộn, bấp bênh, do phần lớn còn lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó cho thấy cần phải thay thế một phần từ nguồn nguyên liệu nội địa. Các viện nghiên cứu khoa học cùng với các doanh nghiệp cần tham gia vào nhiệm vụ này. Một nền nông nghiệp tri thức cần tâm thế mạnh mẽ, mới mẽ của đội ngũ các nhà khoa học.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được hoàn thành. Đây là lần đầu tiên, nông nghiệp vượt qua tư duy ngắn hạn mùa vụ, để hướng tới chiến lược đồng bộ, dài hạn. Chiến lược được xây dựng từ trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành. Chiến lược hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng “Nông dân là trung tâm; Nông thôn là nền tảng; Nông nghiệp là động lực.” Chiến lược này không chỉ định vị nông nghiệp, nông thôn như một ngành kinh tế tổng hợp, là “trụ đỡ” khi kinh tế gặp khó khăn mà trong một cấu trúc góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước bền vững.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>