Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Cơ hội nào cho tăng trưởng ngành gỗ và lâm sản?

22/06/2020

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 những tháng đầu năm, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã chịu nhiều ảnh hưởng không nhỏ. Dù vậy, để đảm bảo cho mục tiêu xuất khẩu năm 2020, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đang tập trung các giải pháp để thích ứng với tình hình, tìm cơ hội mới cho tăng trưởng.


 

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản cần tìm kiếm cơ hội trong những tháng còn lại của năm 2020 để đạt được mục tiêu về giá trị xuất khẩu. (Ảnh minh họa: QH).
Cơ hội cho thúc đẩy tăng trưởng
Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đến nay, chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, từ đó tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm tổ chức lại hoạt động sản xuất, tiếp tục mục tiêu phát triển ngành bền vững, hiệu quả trong những tháng còn lại của năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong khi đó, với ngành hàng này, một số sản phẩm đang có nhu cầu cao từ các thị trường lớn như: sản phẩm đồ nội thất phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm..., thị phần của các mặt hàng này hiện đang chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm đồ gỗ trên toàn thế giới; trong đó, phần lớn được cung cấp từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và các hoạt động cạnh tranh thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện gặp khó khăn. Và, có thể nói đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi các khách hàng lớn ở Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Nhật Bản... đang tìm thị trường cung cấp thay thế.
Với thị trường trong nước, nhiều dự án bất động sản lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước được thực hiện là cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành gỗ nắm bắt. Theo số liệu điều tra sơ bộ, giá trị tiêu dùng nội địa các sản phẩm gỗ năm 2019 đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại sản phẩm chủ yếu như các loại ván phủ mặt, đồ gỗ phòng bếp, giường, tủ, bàn trang điểm... vẫn do các doanh nghiệp FDI sản xuất và cung cấp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung bị ảnh hưởng trong thời gian qua và lúc này sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình nắm bắt cơ hội, tái cấu trúc sản xuất, tiếp cận và từng bước chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng trong nước.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các phương thức sản xuất, kinh doanh đã có những thay đổi đáng kể. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận, xem xét lại chiến lược kinh doanh, từ việc thay đổi về phương thức và trình độ quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, về chiến lược phát triển nguồn lao động, marketing, phương thức bán hàng… để hình thành các doanh nghiệp chủ động, tự tin, sáng tạo trong bối cảnh mới.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Trước tình hình có nhiều tác động ảnh hưởng đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong những tháng đầu năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp và các hiệp hội dự báo, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 sẽ đạt khoảng 11,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với 2019.
Trong đó, dự báo trong quý III/2020, tổng giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quý II/2020. Đặc biệt, quý IV/2020 được dự báo sẽ là thời điểm đạt tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời đẩy nhanh việc khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với cộng đồng doanh nghiệp để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi, ổn định sản xuất và tiếp tục mục tiêu phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Về phát triển mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các nhà phân phối đối tác để tiếp tục đàm phán, thực hiện các đơn hàng theo kế hoạch, ký kết các đơn hàng mới để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh ngay sau khi các quốc gia khống chế được dịch bệnh. Đi liền với đó, cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trong việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường chính nhằm tránh rủi ro trong bối cảnh thế giới thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột và cạnh tranh thương mại. Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển tại thị trường trong nước – một thị trường đầy tiềm năng với nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ trong trang trí nội thất rất lớn tại các dự án bất động sản.
Cùng với đó là việc chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Trước mắt, tập trung nguồn lực để chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu tổ chức lại các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm để đón đầu cho các đơn hàng mới. Về lâu dài, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm phụ trợ của ngành gỗ trong sản xuất đồ nội thất, ngoại thất… để từng bước chủ động được nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi, mở rộng các hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu gắn với phát triển các khu công nghiệp để hình thành các khu công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản tập trung, quy mô lớn tại một số vùng sinh thái, kinh tế trọng điểm. Chủ động, đổi mới phương thức giao dịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng; trong đó, tập trung sử dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến…đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản.
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, xây dựng thương hiệu Gỗ Việt cho các sản phẩm gỗ và lâm sản được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để từng bước khẳng định uy tín, vị thế của sản phẩm gỗ Việt Nam tại các thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về quản lý rừng bền vững và bảo đảm gỗ hợp pháp trong sản xuất, chế biến sản phẩm.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>