Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên

23/06/2016

 Sáng ngày 20/6/2016, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. 


 Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và hơn 200 cán bộ kiểm lâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Công Hoan
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Tính đến ngày 31/12/2014, Tây Nguyên có hơn 2.567.118 ha đất có rừng, giảm 180.000 ha so với năm 2010. Trong đó, diện tích rừng giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng 110.000 ha (để trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả…); do quy hoạch địa phương (xây dựng thủy điện, công trình giao thông, công trình công cộng…) 37.800 ha; do phá rừng và lấn chiếm đất rừng 122.900 ha (chiếm 45%)… Trong vòng 5 năm (từ 2010 – 2014), trữ lượng rừng Tây Nguyên cũng giảm hơn 57 triệu m³ (giảm từ 327 triệu m³ năm 2010 xuống 270 triệu m³ năm 2015).
Còn theo ông Ngô Đông Hải – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – rừng Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, đa dạng sinh học rừng cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình 22,7%, còn lại gần 67% thuộc loại nghèo kiệt. Trong khi đó, việc chặt phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn nhiều năm và có xu hướng phức tạp hơn. Việc mất rừng do chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng 72.000 ha cao su, chuyển đổi 8.000 ha xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện đã làm cho hàng chục ngàn ha rừng bị ngập trong lòng hồ, hàng chục ngàn ha bị triệt phá. 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên, không chuyển đổi hơn 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả dự án được phê duyệt chưa đưa ra, trừ các dự án liên quan an ninh quan trọng. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng cạn kiệt sang trồng cây công nghiệp. Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, công an, kiểm sát, tòa án, quân đội… vào cuộc đấu tranh nâng cao trách nhiệm được giao ngăn chặn tàn phá rừng đã và đang xảy ra, làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất. Rà soát lại giấy phép các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên, qua đó phát hiện những sai phạm để xử lý nghiêm. Ngừng cấp phép cho các thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm trồng rừng thay thế; kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc rừng bị mất; cần phải giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng cho các cấp dưới; cấp kinh phí cho các lực lượng kiểm lâm theo đúng quy định để phục vụ tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.
Công Hoan – Đồng Nguyên, nguồn: http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/taynguyen/2016/6/424786/, ngày 21/6/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>