Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp hình chữ U

30/01/2022

Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo đòn bẩy lớn cho nền kinh tế tăng trưởng năm 2022 và các năm tiếp theo.


 

Ông Lê Trung Hiếu Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định và dự báo, sau 2 năm 2020 2021 tăng trưởng dương ở mức thấp, kinh tế Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng" theo hình chữ U.
Quý III/2020 giảm 6,17%, quý IV/2021 tăng trở lại mức 5,22%. Những con số này theo ông có phản ánh việc tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã xuống đến đáy và đang trên đà phục hồi trở lại?
- Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng dịch trên diện rộng bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại, hoạt động giao thương còn hạn chế, các chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy… Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng Tư đã tác động nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Điều này đã buộc Chính phủ phải thực thi các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn, thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng để kiểm soát dịch bệnh. Tác động của thực hiện giãn cách kéo dài đã làm tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm sâu. Đây là sự suy giảm bất thường, nhưng thực chất lại không phải xuất phát từ nội tại của nền kinh tế mà do tác động ngoại lai bất ngờ và rất khó kiểm soát của đại dịch COVID-19.
Bước sang quý IV/2021, với chiến lược chống dịch mới của Chính phủ thay vì “đóng cửa”, “chạy theo dịch” chuyển sang giai đoạn “thích ứng”, “sống chung với dịch an toàn”, các rào cản trong thời gian giãn cách được từng bước gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế được phép thực hiện trở lại, thậm chí cả những hoạt động có nguy cơ lây lan cao như vận tải hàng không, du lịch cũng được khuyến khích mở cửa với điều kiện phù hợp, đáp ứng an toàn phòng chống dịch. Cùng với đó là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ; sự thống nhất, hợp tác, phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN)…
Theo đó, tình hình kinh tế xã hội trong quý IV/2021 đã có nhiều khởi sắc và kết quả tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 tuy thấp hơn năm 2020, nhưng là kết quả khá trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và để lại hậu quả nặng nề hơn rất nhiều so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế quý IV đạt 5,22. Kinh tế quý IV phục hồi tốt đã giúp tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 2,58%. Tuy thấp hơn năm 2020, nhưng là điểm tích cực trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và để lại hậu quả nặng nề hơn rất nhiều so với năm trước.
Theo ông, sau khi phục hồi trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ tăng theo hình chữ U, chữ V hay chữ W?
- Trong điều kiện nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt, Chương trình phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch sắp được Quốc hội thông qua sẽ là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và an sinh. Nếu được thực hiện hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu, đây sẽ là đòn bẩy lớn cho nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2020, trong khi đại đa số các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng âm do tác động của đại dịch thì Việt Nam là quốc gia hiếm hoi nỗ lực duy trì được mức tăng trưởng GDP dương với mức tăng 2,91%. Năm 2021, trong kinh tế các quốc gia trên thế giới có xu hướng phục hồi khi đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine thì kinh tế Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn của đại dịch với biến chủng mới Delta, nên tăng trưởng đạt 2,58%.
Hiện nay, với độ bao phủ vaccine cao, chiến lược thích ứng, linh hoạt, an toàn, năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Như vậy, kinh tế Việt Nam 2 năm cùng tăng trưởng dương ở mức thấp, hiện nay đang trên đà phục hồi và dự báo sẽ theo mô hình chữ U như hình dưới.
Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Quốc tế Tân cảng –
 Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Công Hoan
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thậm chí một số nước bắt đầu có động thái thực hiện giãn cách xã hội. Với những diễn biến này, Việt Nam trông cậy vào những ngành nghề, lĩnh vực nào để đạt được tốc độ tăng trưởng 6 6,5% năm 2022, thưa ông?
- Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thuận lợi, cơ hội. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,0 6,5% đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội, đây là mục tiêu khá cao trong bối cảnh năm 2022 dự báo dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt hoàn toàn. Biến chủng như Omicron có thể khiến những ngành dịch vụ, thị trường chắc chắn bị ảnh hưởng ngay cả khi đã chuyển sang trạng thái hoạt động mới, thích nghi bối cảnh chung. Do vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dự báo dựa vào các ngành, lĩnh vực và các yếu tố, động lực sau:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 2020 và cải thiện nhờ vào lực đẩy từ các DN FDI; kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn cơ bản ổn định, tạo tiền đề cho điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt và dễ đạt hiệu quả hơn; Thứ hai, trong các ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chắc chắn sẽ tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế và sẽ tiếp tục phát huy vai trò này để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 sẽ khởi sắc hơn; một số ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bưu chính viễn thông; khoa học công nghệ; y tế vẫn tiếp tục là những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.
Thứ ba, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng vaccine đầy đủ 2 mũi, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Ngoài ra, thị trường được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm khi người lao động trở lại các nhà máy, khu công nghiệp sau thời gian trở về địa phương tạm lánh dịch bệnh; Thứ tư, những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn; Thứ năm, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;
Thứ sáu, cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả; các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ khu vực DN, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ giúp khu vực này dần đi vào ổn định, phát triển sản xuất; Thứ bảy, hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn; Thứ tám, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được dự báo sẽ duy trì và có thể mở rộng hơn 2 năm 2020 2021; hoạt động du lịch quốc tế sẽ khởi sắc khi Việt Nam mở cửa trở lại các đường bay thương mại quốc tế trong thời gian tới.
Hữu Lân, nguồn: https://kinhtedothi.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-se-tiep-hinh-chu-u.html, ngày 27/01/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>