Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Tìm hướng đi cho cây công nghiệp thế mạnh của Đồng Nai

02/11/2020

Hiện các loại cây công nghiệp như: tiêu, cà phê, cao su, điều đã qua thời “vàng son” vì không còn nằm trong nhóm cây trồng thuộc tốp đầu về thu nhập như nhiều năm trước đó. Nhưng đây vẫn là nhóm nông sản xuất khẩu thuộc tốp đầu của Việt Nam nên vẫn là những cây chủ lực trong chiến lược phát triển dài hạn, bền vững của nhiều địa phương.


 

Đồ họa thể hiện tổng diện tích các loại cây công nghiệp lâu năm của tỉnh hiện nay.

Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Điều, cà phê, tiêu, cao su cũng đang là 4 loại nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai. Trong giai đoạn hội nhập, đây vẫn là nhóm nông sản chủ lực, có nhiều lợi thế phát triển của tỉnh.
Vẫn là cây chủ lực
Cao su, cà phê, điều, hồ tiêu… là những mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đây cũng là nhóm cây chủ lực Đồng Nai sẽ tập trung phát triển trong đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian qua, diện tích các cây công nghiệp lâu năm của Đồng Nai giảm mạnh, chỉ so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm cây trồng này đã giảm gần 3,2 ngàn ha. Tuy nhiên, tổng diện tích nhóm cây công nghiệp của tỉnh hiện vẫn đạt hơn 106 ngàn ha, chiếm hơn 62% tổng diện tích cây lâu năm của Đồng Nai. Tuy diện tích giảm mạnh nhưng các cây trồng trên vẫn đạt sản lượng lớn. Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2020, sản lượng thu hoạch điều của Đồng Nai đạt gần 41,9 ngàn tấn, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cao su đạt trên 32 ngàn tấn, tăng 2,21%; sản lượng tiêu đạt hơn 30,6 ngàn tấn, giảm 0,94% so với cùng kỳ.
Thu hoạch cà phê tại xã Sông Thao (H.Trảng Bom)
Đây vẫn là nhóm nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai. Trong 9 tháng của năm 2020, toàn tỉnh xuất khẩu điều, cà phê, tiêu, cao su đạt hơn 394,6 triệu USD. Trong đó, cà phê và hồ tiêu là một trong số ít những mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng dù thị trường xuất khẩu chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ấn tượng nhất là xuất khẩu cà phê trong 9 tháng của năm 2020 đạt trên 350,8 triệu USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn cho đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, tiêu, điều, cao su. Tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng này còn rất lớn. Riêng thế mạnh của nhóm cây công nghiệp lâu năm của Đồng Nai là diện tích cũng như sản lượng vẫn nằm trong tốp đầu cả nước. Có vị trí địa lý thuận lợi cho xuất khẩu như là đầu mối các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là gần các cảng biển lớn. Ngoài ra, Đồng Nai lại sát bên thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn là TP.HCM; có các khu công nghiệp hiện đại để thu hút đầu tư chế biến sâu…
Bài toán khó về xuất khẩu thô
Thời gian qua, hàng loạt hiệp định thương mại có hiệu lực như: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc; Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU… với mức thuế suất thuế nhập khẩu của hàng loạt các mặt hàng nông sản về 0%. Đây được cho là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường, nhất là những thị trường khó tính.
Góp ý riêng cho Đồng Nai, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: “Đồng Nai có lợi thế hơn những địa phương khác trong đầu tư vào chế biến nông sản vì tỉnh có khu công nghiệp phát triển, gần các cửa sông lớn, cảng biển. Song song với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, Đồng Nai phải có quy hoạch về các chủng loại cây thế mạnh, đồng thời tạo được sự kết nối giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến”.
Đánh giá về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường chung châu Âu, ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan) khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và nhiều hiệp định thương mại khác có hiệu lực là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đây là cơ hội lớn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong đó có nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam chủ yếu vẫn xuất hàng thô, chưa xây dựng được thương hiệu.
Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (doanh nghiệp vốn đầu tư Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương, có nhiều chương trình liên kết, thu mua hồ tiêu của nông dân Đồng Nai) cho rằng nông sản Việt đứng đầu về sản lượng xuất khẩu nhưng vẫn không làm chủ được thị trường do yếu thế về chất lượng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam thường có giá thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Cụ thể, mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam thường bị bạn hàng ép giá vì bị tiếng xấu về nhiễm chất cấm nên chủ yếu chỉ xuất được vào các nước, khu vực dễ tính như: Trung Quốc, Trung Đông.... “Thị trường Việt Nam đang có một nghịch lý là tiêu trong nước rớt giá vì tồn hàng nhưng doanh nghiệp vẫn buộc phải nhập tiêu từ các nước khác. Nguyên nhân vì có những đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và các thị trường khó tính mà tiêu Việt Nam vẫn chưa đáp ứng về chất lượng” – ông Lâm nói.
Khai thác lợi thế đầu tư chế biến
Vào thời “vàng son”, giá tiêu, cà phê, cao su cao ngất ngưởng, nông dân đua nhau mở rộng diện tích các cây trồng này. Nguồn cung tăng quá nhanh khiến các mặt hàng trên rớt giá, nông dân lại chặt bỏ chuyển sang trồng cây ăn trái. Nhưng cây ăn trái cũng lặp lại bài toán khó, chủ yếu xuất thô sang thị trường dễ tính Trung Quốc. Và hệ lụy của việc sản xuất chạy theo phong trào này là không ít lần nông dân kêu cứu khi vào vụ thu hoạch trái cây, thị trường Trung Quốc ngưng nhập hàng, trái cây tươi lại đổ đống vì không kịp tiêu thụ. Lời giải cho những bài toán khó trên vẫn là phải đầu tư cho ngành chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu.
Chế biến hạt điều tại một cơ sở ở xã Xuân Phú (H. Xuân Lộc). 
Ảnh: B. Nguyên
Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để nông sản Việt Nam không rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, các vùng sản xuất phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Với điều kiện sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán như ở Việt Nam, các nhà máy chế biến nên được đầu tư ở ngay tại vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí.
Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu cà phê, hồ tiêu của Đồng Nai vẫn tăng trưởng tốt trong khi cả nước sụt giảm do Đồng Nai thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành Kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản. Cụ thể, báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Nai về ngành Công nghiệp chế biến nông sản, toàn tỉnh có 150 cơ sở chế biến sản phẩm các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều, ca cao… Trong đó, chủ yếu là các cơ sở chế biến cà phê, điều. Cụ thể, toàn tỉnh có 50 cơ sở và hàng trăm hộ chế biến hạt điều với tổng công suất thiết kế khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu/năm. Toàn tỉnh cũng có 29 doanh nghiệp hoạt động chế biến cà phê và hơn 38 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.                


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>