Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Xây dựng khung pháp lý cho thu hồi, lưu trữ và sử dụng các-bon tại Việt Nam

22/05/2023

Theo Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức, thu hồi, lưu trữ và sử dụng các-bon (CCUS) là một trong những giải pháp đem lại lợi ích cho Việt Nam trong thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. 

 


 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Ngày 16/5/2023, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Luật Thương mại (CLDP) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức Hội thảo xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy các dự án thu hồi, lưu trữ và sử dụng các-bon (CCS/CCUS) tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Tham dự Hội thảo có đại diện CLDP, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, JVPC, JX Nippon, Idemitsu, SK E&S, VPI, PVU… Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Steve Gardner – Trưởng ban Pháp lý của CLDP cho biết CLDP đã hỗ trợ cải cách khung pháp lý và các quy định tại 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, CLDP đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề xây dựng khung pháp lý để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo bà Marjorie Christian – Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Sức khỏe của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác để phát triển bền vững. Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức cho biết thu hồi, lưu trữ và sử dụng các-bon (CCUS) là một trong những giải pháp sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. VPI và JOGMEC đã và đang nghiên cứu, đánh giá tiềm năng lưu trữ CO2 trong các cấu trúc địa chất ở các bể Sông Hồng, Cửu Long và Nam Côn Sơn của Việt Nam. CCUS có thể là lĩnh vực kinh doanh mới của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp trên thế giới (như Nhật Bản, Hàn Quốc…) thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0. Trong ba yếu tố để hiện thực hóa dự án CCUS (công nghệ, thị trường, chính sách), Viện trưởng VPI cho biết Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động lưu trữ CO2 trong các cấu trúc địa chất. Chi phí chôn lấp CO2 hiện vẫn tương đối cao, do đó cần có chính sách hài hòa giữa việc bắt buộc và khuyến khích lưu trữ CO2.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về xu hướng công nghệ và rào cản về chính sách đối với dự án CCS/CCUS; tiêu chuẩn ISO/TC 265; kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng khung pháp lý về CCUS tại Australia, EU, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và bài học cho Việt Nam để phát triển chuỗi giá trị CCUS. Kết luận Hội thảo, ông Steve Gardner cho rằng từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới cần phải có các dự án thực nghiệm để đánh giá sự phù hợp của các quy định trong khung pháp lý về CCUS. Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CCUS và CLDP sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong quá trình rà soát và hoàn thiện khung pháp lý hiện hành để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>