Tin tức

Linh hoạt thích ứng khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế

10/10/2022

Trước tình hình khó khăn của thế giới, đơn hàng xuất khẩu nông, lâm sản giảm nhiều, có dấu hiệu tồn kho, sức mua giảm nhưng ngành nông nghiệp phấn đấu đạt và vượt mục tiêu.


 

Nông nghiệp Việt Nam đảm bảo đủ nguồn cung
lương thực, thực phẩm. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong 9 tháng năm 2022, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sản xuất, ngành cũng phải nhập khẩu khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Trước những tác động bởi tỷ giá, lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới, hay căng thẳng Nga – Ukraine... ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt để khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trước tình hình khó khăn của thế giới, đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều, có dấu hiệu tồn kho, sức mua giảm, nhưng ngành nông nghiệp phấn đấu đạt và vượt mục tiêu Chính phủ giao với mục tiêu tăng trưởng từ 2,8% – 3% và xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD.
Liên tục với nhiều biến động từ thị trường thế giới đã khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi... tăng mạnh những tháng đầu năm. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, năm nay thực sự là năm rất “nóng” với ngành chăn nuôi vì thức ăn chăn nuôi tăng “nóng”. “Hiện nguyên liệu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã ổn định hơn nhưng thời gian tới việc có giảm giá là điều khó khăn do hạn hán, căng thẳng Nga – Ukraine… Đây là bài học sâu sắc để Việt Nam có phương án chuẩn bị phát triển chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi khó giảm trong thời gian tới”, ông Tống Xuân Chinh nhận định. Hiện giá lợn hơi dao động từ xung quanh khoảng 60.000 đồng/kg, theo nhận định của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, người chăn nuôi đang có ít lãi để gia tăng đàn, đảm bảo nhu cầu thực phẩm tăng trong dịp Tết từ 10% – 15%. Trước việc lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với khoảng 150 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp đã từng bước được tận dụng đưa vào chế biến; trong đó có làm thức ăn chăn nuôi. Việc sử dụng phế phụ phẩm bước đầu có hiệu quả, dần dần đi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Với nguyên tắc đảm bảo dinh dưỡng với giá thành thấp nhất, thì việc tận dụng nguyên liệu trong nước đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Từng bước chủ động phần nào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Tập đoàn De Heus, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam... cũng đã có những kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, sắn… để phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi.
Trước độ mở rộng của nền kinh tế Việt Nam, những biến động trên thế giới cũng đều có ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt, nhưng theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam đang có những thích ứng rất tốt, vẫn đảm bảo về sản xuất và xuất khẩu.
Trong sản xuất trồng trọt nói chung và đặc biệt là lúa, việc Việt Nam đã chủ động đảm bảo về nguồn giống cây trồng cũng đã khẳng định sự chủ động lớn trong sản xuất, đảm bảo mùa vụ sản xuất. Tuy nhiên, trồng trọt gặp khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng cao do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Đứng trước tình hình trên, Cục Trồng trọt đã phối hợp với cơ quan chuyên môn ban hành một số quy trình canh tác trên các loại cây trồng chính nhằm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống… hợp lý nhất để giảm nhiều nhất chi phí đầu vào, giúp tăng thu nhập cho nông dân, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong xuất khẩu.  “Đây là cơ hội để từng bước thay đổi thói quen lạm dụng vật tư nông nghiệp của nông dân”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Liên quan đến giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với việc thuốc bảo vệ thực vật gần 100% nhập khẩu, phân bón có nhập khẩu một phần nên những biến động trên thị trường thế giới vừa qua đã tác động rõ nét lên giá các loại vật tư này ở trong nước. Ngay từ khi dịch COVID-19, đặc biệt là từ đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật đánh giá khả năng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đánh giá cho thấy, cơ bản các phân bón quan trọng thì trong nước đều sản xuất và chủ động được và chỉ phụ thuộc một số loại Việt Nam không có mỏ khoảng sản. Bộ cùng các bộ, ngành khuyến kích các doanh nghiệp làm sao phát huy hết công suất sản xuất; đồng thời theo dõi tình hình xuất khẩu, nếu cần thiết có thể kiến nghị Chính phủ áp thuế xuất khẩu. Cùng với đó, đối với phân bón MAP, DAP nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Công Thương để xóa bỏ thuế tự vệ để sản phẩm nhập khẩu sẽ có giá thành phù hợp hơn cho người sử dụng phân bón.
Bên cạnh việc dự tính, dự báo, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giảm vật tư đầu vào. Đồng thời, khuyến kích việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm chi phí sản xuất cũng như xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, xanh. Nhằm giảm thiểu tối đa tác động từ thế giới, hướng tới nhu cầu tiêu dùng xanh cũng như thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%. Cùng với đó, ngành mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>