Tin tức

Ngành gỗ 2019 chờ cơ hội bứt phá từ CPTPP, EVFTA

07/01/2019

 Theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chưa bao giờ, ngành gỗ Việt Nam đạt thành tích ấn tượng như năm 2018 dù đây là năm thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp


 Những khung pháp lý mới

2018 là cột mốc thời gian quan trọng với ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản bởi môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Ngày 19/10/2018, tại Brussels, Việt Nam và Ủy ban châu Âu đã ký Hiệp định VPA/FLEGT. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi được phê chuẩn theo quy định pháp luật của mỗi bên.
Ngày 12/11, Quốc hội cũng đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP, sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru… Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng đang kỳ vọng kí kết cả hai hiệp định EVFTA vào quý I/2019. Hiện, EVFTA này đã tách thành 2 hiệp định riêng biệt, một Hiệp định Đầu tư và một Hiệp định Thương mại.
Sự ra đời của CPTPP và sắp tới là EVFTA sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, theo nhận định của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA). Trước đó, luật Lâm nghiệp mới cũng được ban hành. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo ra những thay đổi căn bản trong toàn bộ chuỗi cung, gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững cho Việt Nam.
Theo định hướng của Chính phủ, trong 10 năm tới ngành Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất xuất khẩu của Việt Nam.
Mục tiêu 10,5 tỷ USD năm 2019
HAWA cho biết chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong năm 2018.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Như vậy, chế biến gỗ chính thức vượt qua thủy sản (xuất khẩu đạt 9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh số top 100 doanh nghiệp có doanh thu ấn tượng của ngành năm nay tăng 16,3% so với top 100 năm 2017, đạt khoảng hơn 4 tỷ USD. 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI đạt 3,5 tỷ USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của cả nước. Phần còn lại hơn 55% thuộc về doanh nghiệp trong nước.
Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG, thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản – chiếm 13%, tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Pháp…
Ở chiều ngược lại, giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2018 cũng tăng 6,27% so với năm 2017, đạt khoảng 2,3 tỷ USD. 11 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 596 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 19% và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ cả nước. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Campuchia giảm 51,69% và Thái Lan giảm 12,26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường Malaysia, Chile, Brazil, Đức...
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, sản lượng khai thác gỗ rừng năm 2018 đạt khoảng 27,5 triệu m3. Trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017, khai thác từ cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu bản địa này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Mục tiêu của ngành chế biến gỗ năm 2019 có thể đạt đến con số 10,5 tỷ USD.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>