Tin tức

Tập trung phát huy lợi thế của ngành cao su Việt Nam

11/11/2019

Ngày 6/11/2019, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030.


 

Quang cảnh hội nghị
Chủ trì hội nghị có đồng chí Cao Đức Phát – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ; đồng chí Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VRG.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Có mặt ở Việt Nam 128 năm, cây cao su đã khẳng định được vị trí của mình với sự phát triển của nền kinh tế.
Đồng chí Cao Đức Phát – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, hiện nay môi trường kinh tế xã hội cho phát triển cao su đang có nhiều thay đổi, trước tình hình đó cần có sự đánh giá khách quan về vai trò, vị trí và bàn định về phương hướng, chính sách về cây cao su cho thời gian tới. Đồng chí Cao Đức Phát đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá khách quan về vai trò, vị trí của ngành cao su với sự phát triển của đất nước, và của các địa phương, từ đó có góc nhìn toàn diện hơn về việc phát triển cây trồng này.
Cùng với đó, các đại biểu cũng nhận diện những thách thức, những tồn tại là nút thắt trong phát triển của ngành cao su nói chung, trên cơ sở đó thảo luận, xác định những phương hướng và chính sách lớn thúc đẩy, phát triển ngành cao su trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn là đến năm 2045.
Chủ trì hội nghị
Cũng theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua, VRG có vai trò quan trọng trong phát triển ngành cao su, trong bối cảnh mới các đại biểu trao đổi, kiến nghị với Đảng, Chính phủ phương hướng, giải pháp để hoạt động của ngành cao su Việt Nam phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngành và quốc gia.
Đến hết năm 2018 Việt Nam đã có 965.000 ha với tổng diện tích cho thu hoạch là 686.000 ha, năng suất đạt khoảng 16,6 tạ/ha và sản lượng hàng năm đạt trên 1.141 ngàn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 2 tỷ USD.
Ngành cao su hiện đang là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cây cao su đã mở rộng địa bàn từ Nam ra Bắc và ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông lâm nghiệp Việt Nam, là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Phát triển cây cao su còn giúp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và vùng Tây Bắc.
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Bảo – Tổng Giám đốc (TGĐ) VRG, cho biết: Đến cuối năm 2018, diện tích cao su của Tập đoàn xấp xỉ 400.000 ha, trong đó diện tích trong nước khoảng 295.000 ha, chiếm 30% diện tích cả nước với sản lượng khai thác năm 2019 dự kiến hơn 320.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cao su sản xuất cả nước.
Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG báo cáo tại hội nghị
Những năm qua, Tập đoàn không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, thực hiện chế biến mủ cao su nguyên liệu thành các sản phẩm mủ cao su sau chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng (có 55 nhà máy với công suất chế biến 494.050 tấn/năm); Các sản phẩm về gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF sản xuất từ nguồn nguyên liệu gỗ, củi cao su cũng được sản xuất và tiêu thụ mạnh. Công tác bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2018, Tập đoàn đã dành hơn 800 tỷ đồng cho đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải…
Cùng với đó, Tập đoàn cũng hết sức chăm lo cho người lao động (NLĐ), đời sống NLĐ được đảm bảo, công tác an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trách nhiệm với cộng đồng cũng được thực hiện tốt. Với dự án thuộc địa bàn khó khăn như Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung và miền núi phía Bắc, Tập đoàn đã dành một phần nguồn vốn đầu tư để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế và phúc lợi khác… với giá trị hơn 2.800 tỷ đồng, 260.000 m2 cho các công trình nhà ở, bệnh viện, trường học; hơn 31.000 km đường các loại, hệ thống điện nước đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của NLĐ… góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cao su ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn 2010 – 2015, diện tích cao su tăng nhanh, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp, có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn, như gió, bão ở khu vực duyên hải miền Trung, rét đậm kéo dài, sương muối tại các vùng miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho người sản xuất; giá cao su trên thị trường thế giới từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp, đang là thách thức đối với ngành cao su. Sản phẩm cao su chế biến của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước.
Các đại biểu cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì, phát triển diện tích cây cao su trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong giai đoạn 2015 – 2020, chuyển đổi diện tích cao su không phù hợp với điều kiện phát triển trong các tiểu vùng hoặc có năng suất chất lượng cây kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây cao su, phấn đấu tăng sản lượng cao su trung bình từ 3 – 4%/năm. Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm nguyên liệu cao su để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu và nhu cầu ngành công nghiệp cao su trong nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị
Với tham luận “Phát triển cao su tại Bình Phước: những thách thức và định hướng thời gian tới”, đồng chí Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước, nhận định: Các doanh nghiệp cao su cần đa dạng hóa thị trường, kết hợp với việc giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh. Tăng lượng tiêu thụ nội địa, các nhà sản xuất nguyên liệu cao su trong nước cần chuyển đổi cơ cấu, chủng loại và chất lượng sản phẩm cao su cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngành công nghiệp cao su trong nước.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung ký kết hợp đồng góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La; sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo hướng ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nghề cao su…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG đã nêu những thực trạng ảnh hưởng đến ngành cao su VN, như: biến đổi khí hậu, cung vượt cầu 500.000 – 600.000 tấn, xung đột thương mại Mỹ – Trung, các loại cây trồng mới có thể thay thế nhựa cao su…
Đồng chí Trần Ngọc Thuận kiến nghị: “Để giải quyết những khó khăn hiện tại, ngành cao su cần có Cơ quan Quản lý Nhà nước về thương hiệu, quy chuẩn quốc gia, xuất nhập khẩu…Thứ hai, nên thực hiện quy hoạch cao su theo quyết định 750/2009 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích cao su cả nước 800.000 ha và nên điều chỉnh quy hoạch theo vùng miền. Thứ ba, ngành cao su cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế, tài chính, xuất khẩu, chính sách đặc thù cho cao su đầu tư ở Lào, Campuchia. Thứ tư, ngành cao su cần tiếp tục nâng cao vị thế cao su Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ năm, ngành cao su Việt Nam tiếp tục nỗ lực xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xã hội vì cộng đồng, phát triển bền vững và các chứng chỉ quốc tế về bền vững…”.
Đồng chí Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG phát biểu tại hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định: ngành cao su luôn là nòng cốt, điểm tựa phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương. Cây cao su là cây trồng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh cao của nền nông nghiệp Việt Nam.
Trong thời gian tới, cần tập trung phát huy lợi thế của ngành cao su Việt Nam. Thứ nhất, cần nhìn nhận, phát huy toàn diện hiệu quả mà ngành cao su đem lại, cả về chính trị, kinh tế xã hội, môi trường, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao… Thứ hai, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN & PTNT, VRG sẽ làm việc kỹ hơn với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để điều chỉnh chính sách có liên quan, như: đất đai, thuế, vay ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ cao su ở miền núi, biên giới, dân tộc… Thứ ba, sẽ kiến nghị chuyển đổi doanh nghiệp cao su sang doanh nghiệp xã hội, thí điểm ở một số đơn vị miền núi phía Bắc. Thứ tư, ngành cao su tiếp tục đẩy mạnh chủ động nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng. Cuối cùng, cần có sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương… Ban Kinh tế Trung ương sẽ trực tiếp báo cáo để có sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng để hỗ trợ chính sách giúp ngành cao su Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững.
Trần Huỳnh – Ảnh: Vũ Phong, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/tap-trung-phat-huy-loi-the-cua-nganh-cao-su-viet-nam.html, ngày 06/11/2019 (TH trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>