Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Ngành lốp xe toàn cầu thúc đẩy nguồn cung cao su bền vững

07/01/2019

 Đối mặt với nhu cầu toàn cầu về cao su thiên nhiên đang nhanh chóng vượt nguồn cung, các bên liên quan trong ngành lốp xe đang nỗ lực cải thiện năng suất cao su bền vững, hài hòa các tiêu chuẩn, bảo vệ nhân quyền và tài nguyên thiên nhiên – đồng thời nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng phức tạp.


 Tạp chí Cao su châu Âu đưa tin, trích dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), từ tháng 01 – 9/2018, nhu cầu cao su toàn cầu vượt nguồn cung 874.000 tấn. Nicolas Beaumont – Phó Chủ tịch cấp cao về phát triển bền vững của Michelin cho biết, gần đây ngành vận tải tiêu thụ 3/4 sản lượng cao su toàn cầu.

Ông cho rằng: “Để đảm bảo cao su được sản xuất một cách bền vững nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững trong tương lai, điều quan trọng đối với các nhà sản xuất lốp xe là tham gia vào mục tiêu này”. Một cách tiếp cận hướng đến sản xuất quy mô ngành có khả năng thực hiện được vì cao su thiên nhiên có khả năng đóng góp cho canh tác bền vững và có trách nhiệm.
Trong nhiều năm qua, các nhà sản xuất lốp xe lớn đã cam kết công khai các chính sách cao su thiên nhiên có trách nhiệm, bao gồm Michelin, Pirelli, Goodyear và Bridgestone, cũng là thành viên của Dự án Lốp xe (TIP), một diễn đàn toàn cầu cho ngành lốp xe về các vấn đề bền vững. Có tổng cộng 11 thành viên TIP chiếm khoảng 65% công suất sản xuất lốp xe toàn cầu.
Vào cuối tháng 10, Dự án Lốp xe đã ra mắt Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR). Nền tảng mang tính độc lập này nhằm mục đích dẫn đầu những cải tiến trong hoạt động kinh tế xã hội và môi trường của chuỗi giá trị cao su thiên nhiên. Hoạt động sẽ bắt đầu vào tháng 3/2019, có trụ sở tại Singapore.
Các sáng kiến ​​cao su bền vững khác trong ngành lốp xe được thúc đẩy một phần bởi các nhà sản xuất ô tô như General Motors, bao gồm:
-      Michelin đánh giá các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong chuỗi cung ứng cao su của công ty. Họ sử dụng nền tảng EcoVadis để xem xét các nhà cung cấp trực tiếp và sử dụng một ứng dụng di động có tên Rubberway để kiểm tra thực tiễn của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cao su thiên nhiên.
-      Bridgestone và Pirelli là một trong số các công ty lốp xe nghiên cứu cây cúc cao su (guayule) do khả năng phát triển mạnh cần ít nước hơn so với cây cao su. Ông Ma Maenen Kline, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề cộng đồng và bền vững của Pirelli Tyre Bắc Mỹ nói với Trưởng nhóm Môi trường: “Bạn có thể thu được một loại cao su thiên nhiên tương tự với cây xương rồng mọc trên sa mạc với rất ít nước”. 
-      Các nhà sản xuất lốp xe đã làm việc với tổ chức WWF – một tổ chức phi lợi nhuận trong các dự án thí điểm ở các quốc gia nơi có những vườn cao su không bền vững và bất hợp pháp, gây ra nạn phá rừng. Tại Myanmar, WWF đang theo dõi chuỗi cung ứng, phát triển các chiến lược sản xuất cao su bền vững với Bộ Nông nghiệp, Liên minh Quốc gia Karen, Hiệp hội Các nhà sản xuất và trồng cao su Myanmar và đang hướng dẫn nông dân về các biện pháp quản lý tốt nhất.
Theo ông Beaumont, cao su thiên nhiên là nguồn tài nguyên thiên nhiên hoàn toàn có thể tái tạo, hoàn toàn phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn. Cây cao su cũng có lợi về mặt lưu trữ carbon, cố định lượng CO2 gấp 20 lần so với hầu hết các loại cây trồng khác. Và khi kết thúc vòng đời sản xuất cao su khoảng 30 năm, một cây cao su có thể có vòng đời thứ hai dưới dạng sinh khối hoặc trong sản xuất đồ nội thất.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam lược dịch
(Vân Quỳnh), nguồn: https://www.environmentalleader.com/2018/12/tire-industry-sustainable-rubber/, ngày 10/12/2018


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>