Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Nhiều lợi ích từ mô hình hợp tác trồng cao su ở Brazil

29/01/2018

Brazil đã từng là một trong những nước sản xuất cao su thiên nhiên (CSTN) lớn trên thế giới, tuy nhiên hiện nay sản lượng nước này chỉ chiếm 1,5% thế giới. Việc mở rộng diện tích CSTN đặt ra cho những người trồng cao su những thách thức lớn. Và tổ chức mô hình chuỗi cung ứng là lựa chọn phù hợp.


 

Khai thác cao su ở Brazil

Cần sự dẫn dắt của kinh tế tư nhân

Brazil là nước có diện tích lớn thứ 5 thế giới, ¼ dân số làm nông nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cà phê, mía, cam, thịt bò, ca cao và đậu nành. Nền kinh tế nông nghiệp của đất nước này đang là hình mẫu của thế giới. Mặc dù có diện tích phù hợp để mở rộng trồng cao su một cách bền vững nhưng Brazil vẫn đang là nước nhập khẩu CSTN. Hàng năm, Brazil tiêu thụ 400.000 tấn cao su, trong đó 60% mua từ bên ngoài và chủ yếu nhập từ Indonesia, Thái Lan.

Ông Diogo Esperante – Giám đốc điều hành Tổ chức các nhà sơ chế và nông dân trồng CSTN tại Bang Sao Paulo, Brazil cho biết: “Với sự hỗ trợ ít ỏi của Chính phủ, để CSTN phát triển tại Brazil cần phải có sự dẫn dắt thị trường của ngành kinh tế tư nhân, nhằm chuyển đổi một khu vực sản xuất CSTN phi truyền thống thành một hình mẫu cho ngành đang mở rộng”.

Tuy nhiên, những vấn đề thực tế như Brazil phụ thuộc vào nhập khẩu CSTN, sự cạnh tranh nhiều trong việc mua cao su và luật hạn chế khu vực phi truyền thống đã đặt Brazil đứng trước thách thức lớn trong việc mở rộng diện tích cao su. Đối với những vùng phi truyền thống, chi phí sản xuất cao, chịu nhiều ảnh hưởng về môi trường, thời tiết, lao động, rủi ro cao. Tất cả vấn đề này sẽ được giải quyết bằng bài toán năng suất, chất lượng và sự ổn định.

Tổ chức mô hình chuỗi cung ứng

Trước những thách thức đặt ra, Tổ chức các nhà sơ chế và nông dân trồng CSTN tại bang Sao Paula đã đề ra những mô hình tương tác giữa các đối tượng khác nhau trong một chuỗi cung ứng hiệu quả đem đến nhiều lợi ích cho nông dân.

Trong chuỗi cung ứng này có ủy ban kỹ thuật của tổ chức, các nhà máy sản xuất, các hợp tác xã, các công ty hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến ngành cao su và nông dân. Các đối tượng trong chuỗi cung ứng có thể chọn giải pháp hợp tác tạo ra hiệu quả tốt nhất cho các bên.

Mỗi nhà nông có diện tích trồng cao su sẽ được kêu gọi vào hợp tác xã.

Từ đây, sản lượng cao su sẽ được hợp tác xã cung cấp cho các trung tâm, doanh nghiệp cần thu mua CSTN. Trung tâm này sẽ hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nhà nông. Hoặc trung tâm sẽ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để hợp tác xã tự tổ chức tập huấn cho nhà nông hay một công ty kỹ thuật thuộc chuỗi cung ứng sẽ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho nhà nông.

Minh Nhiên, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thi-truong-cao-su/thi-truong-the-gioi/nhieu-loi-ich-tu-mo-hinh-hop-tac-trong-cao-su-o-brazil.html, ngày 22/01/2018 (TD trích dẫn)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>