Tin tức >> Tin cao su trong nước

Các công ty cao su tại Campuchia hoàn thành tốt mục tiêu kép

18/01/2021

Đó là kết luận của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại cuộc họp trực tuyến về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của các dự án cao su tại Vương quốc Campuchia, vào ngày 13/01/2020, với 22 điểm cầu trực tuyến.


 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính Văn phòng VRG

Các đơn vị đã đoàn kết khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành chương trình, kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Hoàn thành tốt kế hoạch được giao
Đến 31/12/2020, tổng diện tích mà các đơn vị thành viên Tập đoàn đang quản lý tại Campuchia là 87.891 ha; trong đó, diện tích kinh doanh là 61.153 ha, kiến thiết cơ bản (KTCB) là 26.732 ha. Các đơn vị đã khai thác được 86.355 tấn mủ cao su (vượt 4,87% so với kế hoạch, vượt 4.007 tấn), nhiều hơn 31.322 tấn (tăng 57%) so với sản lượng khai thác cùng kỳ năm 2019. Có 12 đơn vị hoàn thành sản lượng sớm từ 5 đến 30 ngày (hoàn thành trước 30 ngày: Tây Ninh Siêm Riệp; trước 20 ngày: Krông Buk – Ratanakiri, CRCK2, Đồng Nai – Kratie; trước 15 ngày: Bean Heak; trước 10 ngày: Đồng Phú Kratie, Eahleo BM, C.R.C.K – Chư Păh, Mê Kông, Bà Rịa Kampong Thom; trước 5 ngày: Tân Biên Kampong Thom, Chư Prông Stung Treng).
Năng suất bình quân tại Campuchia 1,412 tấn/ha; nổi bật có Bà Rịa Kampong Thom gần 2 tấn/ha, C.R.C.K II – Chư Sê Kampong Thom trên 1,8 tấn/ha – nằm trong CLB 2 tấn, Tân Biên Kampong Thom đạt 1,64 tấn/ha. Có 6 nông trường tại Campuchia đạt danh hiệu Câu lạc bộ 2 tấn gồm Ou Tuek Thla, Ou Thum (Bà Rịa Kampong Thom); Nông trường 1, 6 (C.R.C.K II – Chư Sê Kampong Thom) và Nông trường 1, 2 (Tân Biên Kampong Thom).Các đơn vị đã tiêu thụ 86.807 tấn mủ cao su các loại. Doanh thu ước đạt 2.642 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 127,4 tỷ đồng. Hiện có 10/15 đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi, 5 đơn vị còn lỗ là Chư Prông – Stung Treng, Dầu Tiếng Cambodia – Kratie, Đồng Nai Kratie, Vketi Lộc Ninh, Mê Kông.
Tổng số lao động hiện tại của các đơn vị là 14.063 người/15.087 người theo kế hoạch, trong đó lao động trực tiếp là 12.610 người, tăng so với ngày 30/6/2020 là 1.571 người. Tình hình lao động tại các dự án nhìn chung ổn định, công tác tuyển dụng lao động thuận lợi hơn so với những năm trước.Đến nay cơ bản đã tuyển đủ lao động theo nhu cầu sản xuất, tuy nhiên một số đơn vị còn tình trạng không ổn định lao động (Krông Buk – Ratanakiri, Mang Yang Ratanakiri), nên công ty phải đào tạo mới và thực hiện các chính sách hỗ trợ giữ chân người lao động (NLĐ).Các đơn vị thực hiện chi trả lương đầy đủ, kịp thời cho NLĐ, thu nhập bình quân trên 6,9 triệu đồng/người/tháng. Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách theo quy định pháp luật Campuchia, như: ký hợp đồng lao động, đăng ký sổ lao động, mua bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động, hỗ trợ gạo, nhà ở… tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, gia thuộc và nhân dân xung quanh địa bàn luôn được quan tâm và thực hiện tốt.Các công ty luôn quan tâm đầu tư an sinh xã hội cho NLĐ, cộng đồng quanh và trong vùng dự án. Bên cạnh đó, ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19, các công ty thông qua Văn phòng đại diện (VPĐD) ủng hộ TW Hội chữ thập đỏ Campuchia 4.000 USD, Đại Sứ quán Việt Nam 3.500 USD, Tổng cục Cao su Campuchia 3.750 USD…
Ngoài ra, các công ty sửa chữa đường sá, xây dựng chùa, trường học, trung tâm y tế… thăm hỏi, hỗ trợ chính quyền địa phương, làng xã quanh vùng dự án bằng tiền, gạo… Kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nghiêm cấm phá rừng, đốt rừng làm rẫy… Các công ty cao su thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế Campuchia.
Đẩy mạnh những biện pháp hỗ trợ các công ty
Để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho CB.CNV LĐ Việt Nam trong việc qua lại biên giới, Tập đoàn đã chi hỗ trợ gần 2,4 tỷ từ tháng 3 – 11/2020 và sẽ tiếp tục hỗ trợ đi lại tháng 12/2020 và năm 2021.
Năm 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất Tập đoàn do giá bán cao su vẫn ở mức thấp; tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình thời tiết tiêu cực do biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến sinh trưởng của các vườn cây cao su tại Campuchia.Trên cơ sở nhận định các khó khăn, Tập đoàn xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 cho các đơn vị tại Campuchia với các chỉ tiêu cơ bản như: các đơn vị tiếp tục quản lý và chăm sóc 87.752,07 ha cao su; trong đó, cao su kinh doanh 74.685 ha, KTCB là 13.067 ha. Sản lượng 100.650 tấn cao su, thu mua 1.080 tấn; năng suất bình quân 1,35 tấn/ha. Về sản xuất sản phẩm mang thương hiệu VRG là 89,733 tấn. Doanh thu 3.236 tỷ đồng, trong đó doanh thu cao su 3.111 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 101 tỷ đồng. Tiếp tục theo dõi và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức sản xuất phù hợp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc (TGĐ) Cao su Chư Sê Kampong Thom, Cụm trưởng Cụm I đã báo cáo hoạt động của các công ty trong cụm và nêu kiến nghị: Hiện tại trong Cụm I, Cao su Tân Biên Kampong Thom kiến nghị về công tác định biên người quản lý cần tăng thêm bộ phận Ban Giám đốc công ty từ 3 – 4 người có quy mô diện tích từ 7.000 ha – 10.000 ha.Đối với Ban Giám đốc nhà máy chế biến có công suất 9.000 tấn trở lên và Ban Giám đốc nông trường có quy mô diện tích từ 3.000 ha trở lên thì định biên từ 2 – 3 người. Trong điều kiện các công ty từ KTCB chuyển sang kinh doanh nên khối lượng công việc thực hiện ngày càng lớn nên cần có chính sách định biên người quản lý, lao động chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao.“Hơn nữa, khối lượng công việc ngày càng nhiều nên số lao động gián tiếp, phục vụ thực tế sử dụng gần bằng số lao động định biên nên quỹ tiền lương chung điều tiết cho CB.CNV không hơn bao nhiêu so với thang, bảng lương theo công văn 416/HĐTVCSVN-LĐTL, ngày 28/6/2017 của Tập đoàn. Đề nghị Tập đoàn nghiên cứu điều chỉnh tăng mức lương trong hệ thống thang, bảng lương đối với người quản lý và người NLĐ cho phù hợp với tình hình hiện nay” – ông Linh nêu kiến nghị của Cụm I.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Vịnh – TGĐ Cao su Đồng Phú Kratie, Cụm trưởng Cụm II nêu kiến nghị: Hiện nay chi phí cho thủ tục xuất nhập cảnh khá cao, gồm: chi phí cách ly khi nhập cảnh Việt Nam từ ngày 01/9/2020 theo quy định; chi phí khi nhập cảnh Campuchia chưa bao gồm tiền ăn ở 14 ngày cách ly. Các công ty đều lúng túng và chưa có giải pháp khả thi với nguồn kinh phí phát sinh này. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường và bùng phát lại như hiện nay, Cụm II đề nghị Lãnh đạo Tập đoàn, Thường trực Ban K xem xét có phương án hỗ trợ phần chi phí xuất nhập cảnh để CB.CNV quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ phép.
Kết luận hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG biểu dương những nỗ lực, khắc phục khó khăn, đoàn kết thực hiện hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chăm lo cho đời sống NLĐ. Các đơn vị đã hoàn thành tốt mục tiêu kép “vừa tổ chức sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch Covid-19”, đó là sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của 15 công ty tại Campuchia.Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các công ty cao su Campuchia, ông Thuận yêu cầu Ban chỉ đạo K, Văn phòng đại diện Tập đoàn tại Campuchia, các ban chuyên môn Tập đoàn có những biện pháp xem xét, hỗ trợ, giúp đỡ các công ty giải quyết hiệu quả các kiến nghị: “Tôi đánh giá cao 10 điểm cầu trực tuyến trong nước của các công ty mẹ. Trên cơ sở 34 ý kiến trao đổi tại hội nghị trong từng lĩnh vực, đề nghị các đơn vị nghiêm túc chấp hành. Năm 2021, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, các đơn vị tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Phải quyết tâm nỗ lực từ ngày đầu tháng đầu theo tiêu chí năm sau phải cao hơn năm trước. Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các đơn vị cố gắng sắp xếp, bố trí, tổ chức cho CB.CNV về Việt Nam đón Tết. Trên tinh thần chia sẻ và quan tâm, phải tổ chức thăm hỏi các đồng chí không thể về hội tụ với gia đình trong dịp Tết. Các đơn vị tiếp tục tập hợp danh sách CB.CNV không thể về quê ăn Tết để Công đoàn Cao su Việt Nam hỗ trợ, chăm lo về chế độ chính sách”.
Hội nghị với 22 điểm cầu trực tuyến
“5 đơn vị khó khăn lỗ kế hoạch, năm 2021 phải mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn để không còn lỗ. Phải đề xuất phương án, trách nhiệm tối đa để giải quyết. Các đơn vị phải học hỏi Cao su Tân Biên Kampong Thom hay Hoàng Anh Mang Yang K, đã chủ động vượt khó vươn lên rất tốt, là điểm sáng nổi bật trong năm 2020. Các nội dung tồn tại, nhất là về tài chính, thuế, pháp lý đầu tư, cơ chế chính sách cho NLĐ… phải có giải pháp cụ thể” – ông Thuận nhấn mạnh.“Về phía Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa, các ban chuyên môn phải sức trách nhiệm, quan tâm nhiều hơn. Bảng lương theo Công văn 416 từ năm 2017, giai đoạn các công ty có diện tích cao su KTCB nhiều, hiện nay diện tích và sản lượng cao su khai thác ở Campuchia ngày một tăng cao. Song song đó, công tác định biên người quản lý cần tăng thêm là nhu cầu thực tế tất yếu. Đề nghị Ban tổ chức cán bộ và Ban lao động tiền lương Tập đoàn xem xét hỗ trợ, ngay trong quý I phải có định biên khu vực Campuchia, đừng để thiệt thòi cho NLĐ”.
 “Đặc biệt về chính sách cán bộ, công ty mẹ phải tích cực quan tâm hỗ trợ tối đa, hết sức trách nhiệm, hỗ trợ các công ty con. Năm 2021 phải triệt để thực hiện, sau hội nghị này phải có nghiên cứu chi tiết, cụ thể, chế độ luân chuyển cán bộ. Về việc qua lại biên giới trong tình hình hiện nay, thống nhất hỗ trợ theo chủ trương của lãnh đạo Tập đoàn, đã có nguồn hỗ trợ vận động và các nguồn khác. Các tổ chức đoàn thể các cấp (công đoàn, đoàn thanh niên) đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho NLĐ tại Campuchia…” – ông Thuận chỉ đạo.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>