Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)

30/03/2020

 Kỳ 1: 15 năm một chặng đường


Đến nay, sau 15 năm dựng xây, ổn định và phát triển, những thành quả Cao su Việt Lào đạt được trên mọi lĩnh vực đã khẳng định hiệu quả đầu tư phát triển cao su tại Lào của VRG.

Mỗi năm Công ty khai thác bình quân 15.000 tấn mủ, nhiều năm liền về trước kế hoạch sản lượng.
Trong ảnh: Lãnh đạo công ty trên vườn cây.
Từ những ngày đầu gian khó…
Đầu tháng 3, đoàn công tác của chúng tôi có dịp trở lại thăm và làm việc tại Cao su Việt Lào. Hành trình 700km từ Việt Nam qua Campuchia và dừng chân tại huyện Pakse, tỉnh Champasak, Lào (trụ sở Công ty TNHH Cao su Việt Lào), nhiều niềm vui và phấn khởi khi được trở lại nơi được lãnh đạo hai nước đánh giá là mô hình đầu tư kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG. Cao su Việt Lào là dự án đầu tiên của VRG khi thực hiện chương trình phát triển cao su tại nước ngoài. Huyện Bachiang, tỉnh Champasak 15 năm về trước là một huyện nghèo khi đời sống của người dân chủ yếu là trồng trọt hoa màu, thu nhập không ổn định. Thế nhưng, khi được chọn là địa điểm thực hiện dự án của VRG, thì nay bộ mặt của địa phương đã thay đổi rõ rệt.
Để hiểu rõ hơn sự “lột xác” đó, đoàn công tác chúng tôi được ông Ngô Quyền – TGĐ và ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó TGĐ đưa đi tham quan vườn cây, nhà máy và những công trình an sinh xã hội mà công ty đã thực hiện. Những câu chuyện về ngày đầu thực hiện dự án, những khó khăn trở ngại và cả những kỷ niệm vui buồn, các anh đều nhớ như in. Và chúng tôi, những thành viên trong đoàn có người đã từng nhiều lần qua làm việc tại công ty và cả những người mới đến đầu tiên đều bị những câu chuyện đó làm cho “say”.
Từ 19 cán bộ khung đầu tiên từ Việt Nam nhận nhiệm vụ qua Lào triển khai dự án đã nhanh chóng xây dựng vườn ươm, cây giống để sẵn sàng nhận đất đến đâu, kết hợp khai hoang trồng mới. Đồng thời tuyển dụng nhân sự, kết hợp đào tạo tay nghề cho đội ngũ công nhân người Lào.
Chúng tôi biết rằng câu hỏi: “Khi triển khai dự án tại nước bạn Lào, Công ty đã gặp những khó khăn như thế nào?” sẽ trở nên thừa trong trường hợp này. Thế nhưng nếu không hỏi thì chắc rằng sẽ không có những thước tư liệu quý giá để nhắc đến Cao su Việt Lào.
Vẫn là lời chia sẻ của anh Quyền, anh Dũng, những người có mặt từ những ngày tháng đầu khi đặt những thước đo diện tích đất, khi những cây cao su đầu tiên được trồng trên đất bạn Lào. Muôn vàn khó khăn do chưa am hiểu phong tục tập quán, điều kiện địa lý xa xôi, cơ sở vật chất chưa có gì, anh em phải tự làm lán trại tạm bợ để sinh hoạt. Một số ít người không chịu nổi việc xa nhà và gian khổ đã trở về Việt Nam.
Thế nhưng, nhiệm vụ đã nhận, đó không chỉ là về chỉ số kinh tế mà còn là nhiệm vụ về việc thắt chặt tình đoàn kết giữa hai quốc gia. Vậy là 10 cán bộ khung còn lại đã nỗ lực rất lớn, khắc phục khó khăn, tiếp tục ở lại tìm hiểu phong tục tập quán, xây dựng tốt mối quan hệ với già làng, trưởng bản và chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất và tuyển dụng lao động tại chỗ trồng cao su.
Đến những “lần đầu tiên”…
Nếu không tận mắt nhìn những hình ảnh tư liệu được Công ty trân trọng treo ở phòng họp thì chúng tôi sẽ không thể nào hình dung được những khó khăn và nỗ lực gấp ba, gấp năm lần khi thực hiện dự án này. Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện của ban lãnh đạo công ty, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và niềm tin của NLĐ vào sự phát triển của dự án mà Cao su Việt Lào đã gặt hái được thành công bước đầu. Đó là hoàn thành trồng mới hơn 10.000 ha cao su liền vùng liền khoảnh trước hai năm so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ cây sống đạt 98%.
Năm 2011, dòng nhựa trắng đầu tiên của dự án đã chảy trên đất nước bạn. Vậy là bao niềm tin, hy vọng và cả chờ đợi của VRG, của công ty và của NLĐ được trả lời bằng thực tiễn. Từ đó đến nay mỗi năm Công ty khai thác bình quân 15.000 tấn mủ, nhiều năm liền về trước kế hoạch sản lượng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Là đơn vị đi đầu trong thực hiện đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhờ đó Công ty đã có 5 năm liên tục là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn/ha. Công ty cũng là đơn vị đầu tiên của VRG đầu tư ra nước ngoài làm ăn có lãi, tính đến năm 2018 đã chia cổ tức 62 tỷ đồng cho cổ đông.
Đi giữa những hàng cây xanh ngút ngàn, gặp gỡ trực tiếp NLĐ người Lào, nghe họ nói, thấy họ làm, chúng tôi biết được rằng, Cao su Việt Lào đã có những đóng góp rất lớn cho địa phương nơi đây. Từ một vùng đất hoang hóa, người dân địa phương đã quen với lối sống du canh du cư, phá rừng trồng lúa, nghèo khó thì nay họ đã trở thành công nhân cao su. Huyện Bachiang của tỉnh Champasak không còn là tỉnh nghèo mà trở thành điểm sáng, có tốc độ phát triển nhanh chóng nhờ các dự án của VRG tại đây. Không chỉ vậy, công nhân cao su nay ngoài thu nhập ổn định từ lương hàng tháng còn được hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình. Toàn huyện Bachiang đã trồng hơn 1.000 ha cao su tiểu điền, cây ăn trái và cây lương thực ngắn ngày.
Hiện nay, tổng số lao động của công ty hơn 2.500 người, nhờ hoạt động SXKD có lãi nên mức lương bình quân của NLĐ hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước. Không chỉ là thu nhập, Công ty còn thực hiện đầy đủ chế độ cho NLĐ, tổ chức lễ Tết truyền thống cho công nhân người Lào. Những cá nhân người Lào điển hình trong lao động sản xuất luôn được tạo điều kiện để phát triển lên các cấp quản lý.
Và cộng đồng trách nhiệm với địa phương
Dự án của công ty phát triển đến đâu là đi kèm với việc xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm, chùa chiền để phục vụ NLĐ và nhân dân địa phương. Công ty đã xây dựng 22 dãy nhà ở cho công nhân trị giá gần 28 tỷ đồng, xây dựng 50 căn nhà kiểu mẫu tại Nông trường Bachiang IV để di dời Bản Đôn và Thông Chăn trị giá hơn 5,4 tỷ đồng. Trong 15 năm vừa qua, Công ty đã quyên góp cho đồng bào bị bão lụt tại tỉnh Champasak và Atapu với số tiền trên 2 tỷ đồng. Hàng năm trao tặng 30 – 50 suất học bổng trị giá hàng chục triệu đồng cho Thủ đô Viêng Chăn và Pakse.
Nhân chuyến công tác này, chúng tôi đến gặp ông Som But Takun – Chủ tịch huyện Bachiang để tìm hiểu những đóng góp của Cao su Việt Lào vào sự phát triển của địa phương. Nghe chúng tôi đến thăm, ông rất vui mừng tiếp đón. Ông nhiều lần gởi lời cảm ơn đến lãnh đạo VRG và Cao su Việt Lào vì đã giúp Bachiang phát triển như hôm nay.
Ông nhấn mạnh: “Trước đây, 90% dân số của huyện Bachiang chủ yếu là trồng trọt sinh sống qua ngày, mức thu nhập bấp bênh nhưng từ khi Cao su Việt Lào đến đây đã tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, với thu nhập ổn định 2 – 2,5 triệu kíp/ người/tháng (223,9 – 279,9 USD). Đây là mức thu nhập cao, nhờ đó cuộc sống bà con được nâng lên rõ rệt. Hàng năm Công ty đóng 3,8 tỷ kíp (hơn 425 ngàn USD) (chiếm 30% trong tổng thu ngân sách của huyện) vào ngân sách. Ngoài ra, Công ty còn làm nhà cho công nhân ở, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, chùa chiền, trường học, không chỉ công nhân Công ty được hưởng lợi mà nhân dân trên địa bàn cũng được thụ hưởng từ những công trình này. Chúng tôi rất biết ơn vì những gì Cao su Việt Lào đã làm cho địa phương. Có thể khẳng định rằng, Công ty đã góp phần giúp huyện phát triển như hôm nay”.
Thời gian lưu lại tại Champasak chỉ tròn hai ngày, chúng tôi phải “vội vàng” thu thập những thông tin về các mặt hoạt động của công ty vì sợ để lỡ. Chia tay tập thể CB.CNVC – LĐ Công ty để trở về, chúng tôi ai nấy đều mong có cơ hội sẽ trở lại nơi này thêm nhiều lần nữa. Và chặng đường phát triển của Cao su Việt Lào – một đơn vị vượt lên trên mọi trở ngại, dám nghĩ, dám làm, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu về năng suất, chất lượng, hiệu quả chắc chắn sẽ lưu dấu ấn trong lòng mỗi ai đã, đang và sẽ đến thăm Cao su Việt Lào.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>