Tin tức >> Tin cao su trong nước

Chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp để ổn định thị trường tiêu thụ

27/03/2023

 Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp, kết quả năm 2022 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên vẫn bảo đảm kế hoạch tiêu thụ hơn 500.000 tấn cao su và mức tồn kho hợp lý. Đại diện các công ty thành viên VRG, cũng như khách hàng lâu năm đã trao đổi về những giải pháp để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cao su.


 Ông Võ Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất khẩu Cao su VRG Nhật Bản: “Nhu cầu về cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng”

Việc mở rộng thị trường tiêu thụ cao su hiện nay là vấn đề cực kỳ khó khăn, vì trong bối cảnh tình hình thế giới đang khắc phục hậu quả khủng hoảng của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine đã tác động làm cho nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đều có chung dự báo trong năm 2023, triển vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng thấp hơn năm 2022. Do đó, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cao su thiên nhiên cũng không nằm ngoài cơn lốc khủng hoảng của nền kinh tế thế giới.
Theo ông Võ Văn Thành, trước khi mở rộng thị trường tiêu thụ, phải làm tốt những việc hiện hữu, như: đẩy mạnh chăm sóc thường xuyên khối khách hàng hiện có, vì đây là những kênh tiêu thụ ổn định các sản phẩm của VRG suốt nhiều năm qua, đây là yếu tố then chốt. Thứ hai, thường xuyên nắm bắt nhu cầu thị trường để tạo ra những sản phẩm mới hay đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước đây, VRG Nhật Bản đã có sản phẩm SVR 5S đang sản xuất và tiêu thụ ổn định. Hiện nay, VRG đang tiến hành nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm Mix của SVR 10, SVR 3L… hay các sản phẩm về Latex đòi hỏi mức độ hoàn thiện cao hơn như Latex noprotein… các sản phẩm này nhu cầu của thị trường là rất lớn. Thứ ba, không ngừng xây dựng chiến lược marketing về thương hiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tới khách hàng. VRG Nhật Bản cũng không ngừng thực hiện vấn đề này. Trong tháng 10/2022 vừa qua, VRG Nhật Bản đã phối hợp với Tạp chí Cao su Việt Nam thực hiện thành công chương trình quảng bá sản phẩm theo hình thức truyền hình trực tiếp tại Nhà máy sản xuất sản phẩm SVR 3L của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng tới Hội nghị khách hàng tại Nhật Bản. Đến nay đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc quan tâm thử nghiệm sản phẩm và đặt hàng từ phía các khách hàng Nhật Bản. Thứ tư, để tính đến bài toán “đi đường dài” thì việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp cao su trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Alex Yang – Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sintex: “Sản xuất cao su có chứng chỉ bền vững là xu hướng thời đại”
Sintex đã kinh doanh cao su hơn 45 năm qua và có lượng khách hàng lâu năm lớn, cho nhiều ngành công nghiệp và cũng là đối tác với nhiều nhà sản xuất lốp xe trong danh sách Tốp 20 của thế giới. Sintex và VRG đã hợp tác trong 25 năm qua và đã ký hợp đồng dài hạn hàng năm để đảm bảo lượng hàng hóa cho khách hàng. VRG luôn hỗ trợ tốt và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, trong vòng xoáy của suy giảm kinh tế toàn cầu, ngành cao su thế giới cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, để nâng cao giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên, sản xuất cao su có chứng chỉ bền vững là xu hướng thời đại. Các công ty cao su Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về chứng chỉ bền vững để mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm. Việc ngày càng có nhiều diện tích của các công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ rừng bền vững PEFC và chuỗi hành trình sản CoC cho các nhà máy giúp thương hiệu sản phẩm mủ Cao su Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới và thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Ông Phạm Đình Luyến – Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh: “Đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng uy tín và có tiềm lực về tài chính”
Hiện nay, công tác tiêu thụ sản phẩm của công ty không quá khó mặc dù giá bán thấp. Đến thời điểm này công ty đã tiêu thụ hết sản phẩm khai thác từ đầu năm đến nay và không còn tồn kho. Sau hơn HAI năm thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, công ty không thể xuất khẩu sản phẩm thì đầu năm 2023 đã xuất được lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản với trên 100 tấn mủ RSS. Hiện tại, khách hàng Nhật Bản mỗi tháng nhập 60 tấn sản phẩm RSS 3 của công ty. Trong thời gian tới, công ty đẩy mạnh tìm kiếm các khách hàng uy tín và có tiềm lực về tài chính, bên cạnh việc giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng lâu năm. Những thị trường mà công ty hướng tới là Nhật Bản, Ấn Độ và một số thị trường khó tính khác, bởi hiện nay Cao su Chư Păh đã và đang từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu và uy tín về chất lượng sản phẩm.
Bà Trần Thị Thủy – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông: “Tăng cường quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh thông tin đại chúng”
Tình hình tiêu thụ sản phẩm của công ty ổn định, thị trường chính vẫn là nội tiêu. Căn bản là do công ty có mối quan hệ tốt với những khách hàng truyền thống và có nhiều sản phẩm để khách hàng chọn, như: Latex, CV50 – 60, 3L, SVR 10, 20… Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm của Cao su Chư Prông luôn được khách hàng tin tưởng. Giải pháp trong thời gian tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường và tranh thủ sự giúp đỡ của VRG trong việc giới thiệu khách hàng mới. Điển hình như tại buổi gặp mặt khách hàng đầu năm 2023 do VRG tổ chức, công ty đã chủ động tiếp cận những khách hàng mới, bên cạnh việc củng cố mối quan hệ với khách hàng truyền thống. Công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách luôn chú trọng, quan tâm đến công tác chế biến, quản lý chất lượng mủ nguyên liệu từ vườn cây về nhà máy. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong công tác chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm. Phát động các phong trào thi đua trong việc tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến nhằm tiết kiệm nguyên vật liệu, giúp hạ giá thành. Tăng cường quảng bá thông tin về đơn vị, sản phẩm trên nhiều kênh thông tin đại chúng…


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>