Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đắk Lắk: Công nghiệp chế biến nông sản – Thô nhiều, tinh ít!

20/08/2018

 Mặc dù được đánh giá là một trong những thế mạnh công nghiệp của tỉnh, nhưng ngành chế biến nông sản còn thiếu những cơ sở chế biến tầm cỡ, nhiều sản phẩm vẫn phải bán ở dạng thô. 


 Thiếu khả năng chế biến sâu

Nằm trên vùng đất đỏ bazan, Đắk Lắk có lợi thế ở nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su với sản lượng nằm trong tốp đầu cả nước. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, sắn… Chưa kể, những năm gần đây, cây ăn quả liên tục tăng về diện tích, năng suất và chất lượng cũng không thua kém sản phẩm nơi khác. Với nền nông nghiệp đa sản phẩm như thế là tiềm năng rất lớn cho công nghiệp chế biến nông sản, qua đó nâng cao giá trị các loại nông sản chủ lực của tỉnh. 
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong nước và doanh nghiệp địa phương đang hoạt động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, đa phần các doanh nghiệp, cơ sở này đều có quy mô vừa và nhỏ, công suất thấp, dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, lượng sản phẩm tinh chế còn thấp.
Cụ thể, trong lĩnh vực chế biến cà phê, toàn tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp chế biến cà phê nhân theo công nghệ khô, tổng công suất 475.030 tấn/năm, 16 dây chuyền chế biến ướt, công suất trên 64 nghìn tấn/năm, 47 doanh nghiệp chế biến cà phê bột, công suất trên 32 nghìn tấn/năm và 1 doanh nghiệp chế biến cà phê hòa tan, công suất 1 nghìn tấn/năm. Trong số này chỉ một số ít doanh nghiệp đủ năng lực chế biến cà phê chất lượng cao, còn lại phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị chưa đồng bộ, chế biến sâu mới chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. 
Đối với ngành cao su, toàn tỉnh mới có 5 nhà máy chế biến mủ, tổng công suất 33 nghìn tấn/năm, trong đó sản phẩm mủ cốm gần 80%, mủ latex trên 20%… Hiện nay, công nghiệp chế biến mủ cao su tại tỉnh chủ yếu ở dạng thô chứ chưa đủ khả năng chế biến biến sâu thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: găng tay, ủng, lốp, ruột xe hay các linh kiện phục vụ công nghiệp chế tạo, da giày…
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận bán mủ tươi của 1 ha cao su khoảng 50 – 80 triệu đồng/năm, sau khi sơ chế, giá trị của sản phẩm tăng lên gấp 1,5 đến 2 lần, nhưng nếu chế biến thành săm, lốp giá trị sẽ tăng gấp 8 đến 10 lần, chế tạo thành các sản phẩm cao hơn thì giá trị tăng thêm 18 đến 20 lần. 
Các ngành công nghiệp khác như chế biến điều, tiêu cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, các cơ sở chế biến phần lớn quy mô hộ gia đình, sản xuất chủ yếu là sơ chế bằng thủ công, máy móc thiết bị công suất thấp, công nghệ lạc hậu. Do đó, các sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở dạng thô hoặc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...
Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm của tỉnh bán đi nơi khác với giá thấp, nhưng qua chế biến, đóng gói rồi quay lại tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh với giá cao hơn nhiều. Còn đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, trái cây, hầu như chưa có cơ sở nào đầu tư được hệ thống bảo quản, sơ chế, cấp đông đạt tiêu chuẩn. Do đó, các sản phẩm này chỉ được tiêu thụ tươi sống trong thời gian ngắn tại địa phương, lượng hàng xuất đi thị trường khác không nhiều.
Chú trọng thu hút đầu tư
Thực trạng trên của ngành công nghiệp chế biến nông sản đòi hỏi cần có những doanh nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ trong lĩnh vực này có tiềm lực về vốn, công nghệ kỹ thuật, đủ khả năng chế biến sâu các sản phẩm nông sản.
Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành chế biến nông – lâm sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển 5 ngành công nghiệp chế biến nông sản trọng điểm, gồm: cà phê, ca cao, bơ, tiêu và cao su. Các ngành này sẽ từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 10%/năm. 
Cụ thể, đối với ngành cà phê, đến năm 2020, tỷ lệ cà phê chế biến ước đạt 25%, tăng quy mô công suất chế biến cà phê rang xay, hòa tan lên 12%. Với ngành cao su, nâng cấp, hoàn chỉnh dây chuyền các nhà máy để đa dạng hóa sản phẩm, công suất chế biến đạt từ 57 nghìn đến 71 nghìn tấn/năm.
Ở ngành ca cao, thu hút đầu tư nhà máy chế biến sâu ca cao và các sản phẩm từ ca cao, công suất từ 1.500 đến 2.000 tấn/năm. Đối với ngành tiêu, xây dựng nhà máy chế biến công suất 6 nghìn tấn/năm, công nghệ xử lý bằng hơi nước để sản xuất tiêu trắng, tiêu bột chất lượng cao.
Riêng với ngành chế biến thực phẩm, trái cây, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương xây dựng các cơ sở bảo quản, sơ chế, đóng bao đạt tiêu chuẩn, đồng thời kêu gọi đầu tư dự án nhà máy chế biến bột bơ, mỹ phẩm, tinh dầu bơ quy mô lớn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết, công nghiệp chế biến nông sản là một trong những lĩnh vực tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư nhằm nâng cao giá trị các loại nông sản của địa phương gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng áp dụng ở mức cao nhất các hình thức ưu đãi, miễn, giảm tiền thuê đất và các loại thuế để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình mở rộng Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) và xây dựng Khu công nghiệp Phú Xuân (huyện Cư M’gar) sẽ ưu tiên, khuyến khích các dự án chế biến sâu nông sản, đặc biệt tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế – xã hội cao. 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>