Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng nhanh

16/12/2019

Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 9,64 tỷ USD. Cùng với đó, đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây đã là một trong những động lực thúc đẩy ngành gỗ phát triển.


 

Gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: NNK
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NN&PTNT), giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11/2019 đạt 1,08 tỷ USD, lũy kế XK gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 9,64 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 10 tháng đầu năm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản XK của Việt Nam với mức thặng dư 6,47 tỷ USD, tăng tới 20,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 với khoảng 81% tổng giá trị XK nhóm hàng này. XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 với giá trị XK đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 34,5%. 
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 23,8% thị phần. Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội XK so với các nhà XK gỗ nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia... "Việc tận dụng tốt các cơ hội là động lực thúc đẩy XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam" Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, theo báo cáo đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ Việt Nam của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, FDI vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây.
Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn. Tính đến hết tháng 9/2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018. Các dự án tập trung vào mảng chế biến gỗ và phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ.
Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc, Hoa Kỳ và British Virgin Island. Số vốn tăng trong 9 tháng đầu năm đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.
Sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Vốn đăng ký trung bình dự án mới 9 tháng là 8,7 triệu USD. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam với 40 dự án, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư...


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>