Tin tức >> Tin cao su trong nước

Để phát triển bền vững cây cao su

03/09/2019

Cao su là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá mủ liên tục giảm. Ngành cao su đang triển khai đồng bộ các giải pháp, từ trồng tới chế biến mủ, gỗ, đa dạng hóa sản phẩm… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cao su trên thị trường trong nước và quốc tế. 


Công nhân thu hoạch mủ cao su
Chọn, tạo giống phù hợp
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong những năm qua, ngành cao su đã tập trung đầu tư vào công tác nghiên cứu, chọn tạo nên hiện nay bộ giống cao su có năng suất, chất lượng cao cho các vùng trồng cao su đã cơ bản được đáp ứng. Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đi đầu trong việc nghiên cứu, tuyển chọn, trồng thử nghiệm các giống cao su mới và ban hành quy trình sản xuất giống, trồng, chăm sóc cao su, đồng thời khuyến cáo cơ cấu giống theo từng giai đoạn cho phù hợp điều kiện sinh thái, hạng đất, điều kiện canh tác nhằm có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Phó Tổng Giám đốc VRG Nguyễn Tiến Đức cho biết, ngành cao su đã có các bộ giống phù hợp các tiểu vùng trồng cao su như vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là địa bàn ít ảnh hưởng của bão, không có mùa đông lạnh đã tiến hành trồng các giống: PB 260, PB 255, RRIV 3, GT1, VM 515, RRIV 124, PB 312...; vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ hằng năm chịu ảnh hưởng của bão đã có các giống với sức chống chịu gió tốt hơn như: RRIM 600, RRIM 712, GT1, RRIC 121, IRAN 873, PB 312; vùng núi phía bắc, thường bị ảnh hưởng của mùa đông lạnh có sương muối, đã cho trồng các giống chịu lạnh như: VNg 77-2, VNg 77-4, IAN 873. Hầu hết các đơn vị của Tập đoàn đều có vườn ươm giống để chủ động đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình, ngoài ra có nhiều đơn vị còn làm dịch vụ sản xuất, cung ứng giống cho các hộ cao su tiểu điền.
Cùng với việc tạo ra các giống cao su mới, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu từng vùng, ngành cao su hiện cũng đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác trong nước và của các nước như: Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ làm cơ sở xây dựng các mô hình trồng cao su có hiệu quả và phổ biến rộng rãi cho các địa phương. Nhờ đó, bên cạnh việc chống chịu tốt thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cây cao su đã ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp và nông dân.
Đa dạng hóa sản phẩm
Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 250 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân tham gia chế biến cao su với công suất đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm. Về cơ cấu sản phẩm, ngành cao su đang có hướng điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thị trường thế giới nhưng đến nay mủ khối loại SVR 3L (một loại phổ biến trong cao su sơ chế) vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Loại mủ cao su SVR 10, SVR 20 chỉ chiếm từ 15 đến 18,7%, trong khi đây là sản phẩm tiêu thụ thông dụng trên thế giới dùng để sản xuất lốp ô tô và chiếm hơn 60% sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu.
Đây chính là những hạn chế, ngành cao su cần sớm khắc phục, qua đó xây dựng định hướng phát triển cao su dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng về đất đai, địa hình phù hợp ở các tiểu vùng để phát triển cây cao su bền vững. Mặt khác phát triển cao su phải theo hướng tập trung, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao theo chuỗi giá trị và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm chế biến phù hợp nhu cầu tiêu thụ thị trường thế giới.
Cùng với việc sản xuất, chế biến mủ cao su, hiện gỗ cao su cũng đang trở thành một trong những nguồn nguyên liệu chính, đóng góp quan trọng cho ngành chế biến và sản xuất gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương lập đề án phát triển cao su tiểu điền, giảm tình trạng trồng ngoài vùng quy hoạch, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây, tránh tình trạng người dân trồng rồi lại chặt khi giá cao su xuống thấp. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các doanh nghiệp cần thực hiện mô hình liên kết với người dân có đất, hoàn thiện cơ chế liên kết hài hòa lợi ích giữa các bên để phát triển mô hình cao su đại điền, nhằm tăng cường các biện pháp cơ giới hóa, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư. Để ngành cao su phát triển ổn định, bền vững, Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm cao su nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Vũ Thành – Tuấn Ngọc, nguồn: https://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/41348802-de-phat-trien-ben-vung-cay-cao su.html, ngày 27/8/2019, (VQ trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>