Tin tức >> Tin cao su trong nước

Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao

14/08/2017

 Xác định chất lượng vườn cây là yếu tố quyết định năng suất sản lượng khi đưa vào khai thác, vì vậy các công ty cao su (CTCS) rất chú trọng đến lao động tại khâu trồng mới. 


 Hầu hết các công ty đều ưu tiên chọn những lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm khi thực hiện tái canh trồng mới (TCTM).

Kỳ 3: Ưu tiên lao động có tay nghề, nhiều kinh nghiệm
Công nhân trồng tái canh dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật nông trường tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Phan Thắng
Linh hoạt điều phối lao động
Năm 2017, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thực hiện TCTM 1.100 ha. Từ đầu năm, Công ty đã linh hoạt, chủ động chuẩn bị lao động, phân bổ thời gian cho mùa vụ tái canh. Hầu hết lao động là công nhân (CN) chăm sóc, một số ít CN khai thác được điều phối sang trồng mới vào những thời điểm cụ thể đã được phân bổ. Chính vì vậy, Công ty không phải thuê lao động thời vụ.
Điển hình là Nông trường 9, ông Trần Văn Đức – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp Nông trường 9, chia sẻ: “Năm nay Nông trường 9 TCTM 96 ha cao su, chúng tôi huy động 18 lao động trồng mới là CN chăm sóc, không phải điều động CN khai thác. Do Nông trường đã chủ động phân bổ thời gian hợp lý, nên đã hoàn thành TCTM trước thời gian quy định”.
Ở Công ty CP Cao su Đồng Phú, những năm gần đây do giá mủ cao su giảm mạnh, lao động nghỉ việc nhiều, nhất là tập trung ở khối CN chăm sóc vườn cây. “Năm nay, số lượng lao động nghỉ việc không nhiều như những năm trước. Nhiều CN trước đây nghỉ việc để xin vào làm tại các khu công nghiệp, sau một thời gian, nay nhiều người lại xin vào làm CN Công ty. Hiện nay, Cao su Đồng Phú áp dụng gần 60% diện tích cạo d4, một số đơn vị lại thừa lao động, như nông trường Tân Lợi”, ông Nguyễn Sư Sơn – Chủ tịch Công đoàn Cao su Đồng Phú – cho biết.
Về lao động TCTM mùa vụ năm nay, ông Trương Vĩnh Tuấn – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp Cao su Đồng Phú – cho biết: “Năm 2017, Cao su Đồng Phú TCTM 488 ha cao su. Số lượng CN chăm sóc không đủ nên các đơn vị điều động công nhân khai thác, mỗi tổ từ 3 – 5 người để đảm bảo thời gian trồng mới theo quy định. Hầu hết những CN được điều động là những người có tay nghề khá, nhiều năm kinh nghiệm trong trồng mới cây cao su. Với chế độ cạo d4, CN khai thác cạo 3 ngày và nghỉ 1 ngày theo số lượng vườn cây được phân bổ. Các đơn vị linh hoạt sắp xếp ngày CN được nghỉ để hỗ trợ trong công tác trồng tái canh nhằm đảm bảo chất lượng vườn cây, định hình vườn cây ngay từ năm đầu”.
Năm nay, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện TCTM hơn 1.100 ha. Tính đến cuối tháng 7, Công ty đã hoàn thành công việc trồng tái canh. Ông Nguyễn Trường Thọ – Phó TGĐ Công ty – cho biết, năm nay do điều kiện thời tiết tốt nên công tác TCTM gặp nhiều thuận lợi so mọi năm. Một số nông trường hoàn tất trồng tái canh rất sớm, có đơn vị đầu tháng 6 đã tái canh xong.
Chuẩn bị cây giống trồng mới tại NT An Viễng – TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Tùng Châu
“Do số lượng CN chăm sóc kiến thiết cơ bản không đủ nên lực lượng lao động tham gia công tác trồng tái canh phải huy động thêm CN khai thác. Hầu như các đơn vị đều tiến hành trồng vào buổi chiều nên không ảnh hưởng gì đến công việc khai thác mủ. CN khai thác được huy động tham gia trồng tái canh đều là những người có thâm niên làm công nhân, có tay nghề cao và có nhiều kinh nghiệm trồng cao su nên yên tâm về kỹ thuật trồng”, ông Thọ cho biết.
Ông Lê Phương Trung – Giám đốc NT Thanh An – cho biết với 2 buổi chiều (ngày 01 và 02/6) đồng loạt ra quân trồng mới, với sự tham gia của 240 CNLĐ trong tổng số hơn 400 lao động của nông trường, đã trồng hoàn chỉnh 25 ha cao su. “Năm nay, do diện tích trồng tái canh không nhiều, vả lại nhờ chuẩn bị được lực lượng lao động có tay nghề cao nên công tác trồng gặp nhiều thuận lợi. Với đà này thì vườn cây sẽ được định hình ngay từ năm trồng đầu tiên, chất lượng cây sống đạt cao”, ông Trung chia sẻ.
Tương tự các công ty, Cao su Phước Hòa cũng điều động thêm CN khai thác sang trồng mới để đảm bảo đúng thời vụ. “Tâm lý chung của anh em CN là hăng hái và phấn khởi trước mỗi mùa vụ TCTM vì được làm thêm thì tăng thu nhập. Ở các nông trường, ngoài CN chăm sóc, số lượng CN khai thác đăng ký trồng mới rất nhiều. Chính vì vậy, những năm qua, Công ty không phải thuê lao động thời vụ”, ông Phan Sơn – Trưởng Phòng Kỹ thuật Cao su Phước Hòa – chia sẻ.
Tổ chức trồng theo nhóm
Năm nay, Tổng công ty Cao su Đồng Nai tái canh 1.866 ha. Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đề ra, ngoài lao động biên chế Tổng công ty sử dụng lao động thời vụ, đối với những nông trường thiếu lao động, đơn vị đã vận động CN khai thác tham gia vào công tác tái canh. Sau khi chuẩn bị hoàn tất các công đoạn về giống, làm đất, các nông trường đã tổ chức tập huấn cho công nhân về kỹ thuật trồng.
Đặc biệt, các đơn vị tổ chức trồng theo nhóm nhằm đảm bảo kỹ thuật, tránh sai sót. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của nông trường, đội thường xuyên có mặt trên lô để hướng dẫn, đôn đốc CN, kiểm tra trước và sau khi trồng xong, nhằm đảm bảo về kỹ thuật và tiến độ. Riêng đối với lực lượng lao động tại vườn giống TCT và vườn giống các nông trường đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác chăm sóc, bảo vệ vườn giống.
Đối với các đơn vị thiếu hụt lao động nhiều như Cao su Tân Biên và Tây Ninh, mùa TCTM năm nay phải thuê lao động thời vụ bên ngoài. Ở Cao su Tân Biên, mùa vụ trồng mới năm nay phải thuê 30% lao động thời vụ. Bà Phan Thị Kim Ngân – Phó Giám đốc Nông trường Bổ Túc – chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị sắp xếp lao động và phân bổ thời gian trồng mới, tuy vậy, Nông trường vẫn phải thuê hơn 40% lao động thời vụ”.
Tương tự Cao su Tân Biên, năm nay Cao su Tây Ninh TCTM 539 ha và cũng phải thuê lao động thời vụ. Bà Trần Thị Thanh Nghê – Phó Phòng Kỹ thuật Cao su Tây Ninh, cho biết: “Chủ trương của Công ty là thực hiện đồng bộ cơ giới hóa để giảm công lao động, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay. Tuy nhiên, các nông trường vẫn phải thuê lao động thời vụ để trồng mới, khoảng 30 – 40%. Việc thuê lao động thời vụ được Công ty áp dụng nhiều năm qua để đảm bảo thời gian tái canh trồng mới”.
Tính đến ngày 20/7/2018, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã trồng được 560 ha, đạt 85% so kế hoạch VRG giao, dự kiến đến cuối tháng 7, Công ty sẽ hoàn tất công tác tái canh 663 ha. Các giống chủ yếu năm nay là RRIV 106, RRIV 114, PB 255, RRIV 124, RRIV 115.
Vườn giống của Công ty có diện tích 19,95 ha, trong đó có 15,85 ha vườn nhân với 25 giống gồm các giống bảng I, II, III và 4,1 ha vườn ươm. Lực lượng lao động chính thức là 9 công nhân, có thâm niên công tác trên 5 năm.
Về nguồn lao động phục vụ công tác tái canh, Công ty sử dụng lao động thời vụ tại địa phương. Trước khi trồng, công nhân thời vụ được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật và phương pháp trồng, đồng thời, thường xuyên có cán bộ kỹ thuật nông trường, đội theo sát trong suốt quá trình trồng, chăm sóc vườn cây để đảm bảo thực hiện đúng quy trình.
Ngọc Cẩm – Lâm Khanh – Bình  Nguyên, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/ky-thuat-cao-su/de-vuon-cay-chat-luong-tot-nang-suat-cao-3.html, ngày 11/8/2017 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>