Tin tức >> Tin cao su trong nước

Giá cao su trong xu hướng phục hồi

21/02/2017

 Đó là nhận định của Tiến sĩ Jom Jacob – chuyên gia kinh tế Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC).


 

Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh
Nhiều yếu tố hỗ trợ giá cao su
Tiến sĩ Jom Jacob phân tích: “Biến động giá cao su thiên nhiên năm 2016 trải qua 4 giai đoạn chính: Tăng từ giữa tháng 02 đến tháng 4/2016. Giảm trong tháng 5/2016. Ổn định từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 9/2016. Hồi phục từ giữa tháng 9 đến nay. Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thiên nhiên: Xu hướng giá dầu. Tiền tệ của các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên. Giá trị đồng Yên Nhật. Dòng tiền của các quỹ đầu cơ”.
Giá cao su thế giới năm 2016 có những thời điểm biến động thất thường nhưng đang trong xu hướng phục hồi so với năm 2015, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2016. Nguyên nhân là nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố chính như: thỏa thuận cắt giảm tổng cộng 700.000 tấn cao su thiên nhiên của 3 nước Hội đồng cao su quốc tế ba bên – ITRC (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đến hết năm 2016. Hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng mưa lũ tiếp nối đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch của các nước. Giá dầu thế giới tăng từ 30 USD/thùng lên trên 50 USD/thùng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định và nhu cầu tiêu thụ cao su của ngành ô tô đang gia tăng.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố cơ bản về cung cầu, giá cao su thiên nhiên vẫn chịu tác động từ những yếu tố liên quan khác như: tình trạng cung vượt cầu có thể tiếp diễn khi giá phục hồi do diện tích trồng mới mở rộng quá nhiều trong giai đoạn 2005 – 2013. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại, tăng trưởng năm 2016 là 3,1% (so với 3,2% năm 2015). Biến động tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền mạnh như USD, Yên, NDT. Sự phát triển của ngành cao su tổng hợp và công nghệ sản xuất thành phẩm. Xu hướng giá của những hàng hóa chủ lực khác.
Sau khi giảm 1,3% trong năm 2014, nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới đã tăng 1,3% năm 2015 và tăng nhẹ 0,7% trong năm 2016. Tiến sĩ Smit – nguyên Tổng thư ký Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) dự báo tiêu thụ cao su thiên nhiên sẽ tăng liên tục từ 2017 – 2035 với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 0,5 triệu tấn. Dư cung sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2020 – 2022 với hơn 3 triệu tấn, chiếm 25% sản lượng. Tình trạng dư thừa có thể chuyển sang thiếu hụt bắt đầu từ năm 2030 tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ và khả năng sản lượng. Do đó, nếu các nước không hạn chế khai thác mủ, giá cao su thiên nhiên có thể chỉ đạt 1.000 – 2.000 USD/tấn từ 2017 – 2020, trước khi phục hồi dần và vượt ngưỡng 2.000 USD/tấn sau năm 2025 đến 2030.
ANRPC dự báo nguồn cung tăng trưởng nhanh 2017 – 2019 (từ 5 đến 5,9%/năm). Tuy nhiên sẽ tăng chậm lại từ 2020 – 2023 (0,5 – 2,6%/năm), do đó, ANRPC dự báo giá cao su sẽ phục hồi dần kể từ 2020.
Có thể đạt trên 1.800 USD/tấn
Trong dự báo ngắn hạn, quý I và quý II/2017, ông Dar Wong (Công ty Dektos, Singapore) cho rằng giá cao su thiên nhiên có thể tăng đến 2.400 USD/tấn và vào mùa khô khi nhiều nơi ngưng cạo mủ. Dự đoán năm 2017, giá cao su thiên nhiên được cải thiện do cung giảm, có thể đạt trên 1.800 USD/tấn.
Trong dài hạn, giá cao su được dự báo phục hồi dần và trở về mức trên 2.000 USD/tấn từ năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, giá cao su thiên nhiên còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình hình phát triển kinh tế thế giới, giá dầu thô, đầu cơ của một số quỹ tài chính, xu hướng giá của những hàng hóa chủ lực khác, giá đồng đôla Mỹ, biến động chính trị của một số nước…


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>