Tin tức >> Tin cao su trong nước

Gỗ MDF VRG Kiên Giang: Đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định

21/01/2019

 Để đảm bảo cho nhà máy hoạt động với công suất 87.000 m³ ván/năm, việc cung ứng đủ nguyên liệu đầu vào là nhiệm vụ quan trọng.


 Nhờ chính sách thu mua hợp lý, Công ty đã xây dựng được nguồn cung nguyên liệu ổn định.

Chủ ghe chở cây đến cân tại cảng nhà máy Công ty
Chủ động tìm nguồn cung
Để có nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy hoạt động, Công ty đặc biệt chú trọng công tác thu mua nguyên liệu. Ban lãnh đạo Công ty đã trực tiếp “vi hành” đến các địa phương có vùng nguyên liệu để tìm hiểu, cập nhật thông tin, tìm kiếm nguồn cung. Nhờ nỗ lực, Công ty đã liên kết được trên 200 chủ ghe chuyên thu mua gỗ nguyên liệu trong và ngoài tỉnh Kiên Giang.
Anh Nguyễn Thành Tài – nhân viên phòng nguyên liệu, phụ trách khu vực Kiên Giang, An Giang, Phú Quốc chia sẻ: “Mới đầu đi tiếp cận địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Để chủ ghe tin mình, phải thuyết phục được họ. Chỉ cần mình nói được, làm được là chủ ghe họ tin”.
Còn anh Thái Hoàng Hướng – Nhân viên phòng nguyên liệu, phụ trách khu vực Cà Mau cho hay, nguồn nguyên liệu tại điểm rừng này khá tốt, ổn định về nguồn cung, vì ở đây có công ty lâm nghiệp chuyên về trồng rừng nguyên liệu. “Chúng tôi đã chủ động tìm đến những chủ ghe chuyên mua lại nguyên liệu khu vực này để chở về nhà máy. Những chủ này có ghe đủ lớn, tiện đi đường dài trên sông cái về nhà máy, mỗi tháng có thể về 4 tới 5 chuyến, rất ổn định”, anh Hướng cho hay.
Thương lái thu mua và cắt cây tại vườn nhà người dân
Theo tìm hiểu, chủ ghe khi mua cây, họ phân ra nhiều nhóm để định giá. Loại bán cho người mua gỗ, đóng hàng nội thất hay phục vụ công trình xây dựng, loại bán củi cho nhà máy. “Làm nghề này chủ ghe phải “sành” mới có thể thu về lợi nhuận sau mỗi chuyến đi cây”, ông Quánh Văn Ngọc Sẻ – Chủ ghe tại huyện Phú Tân (An Giang) cho biết.
Xây dựng chính sách thu mua hài hòa  
Xác định chủ ghe là nguồn cung nguyên liệu lâu dài cho nhà máy, Công ty xây dựng cơ chế thu mua hợp lý, với những chính sách hỗ trợ hài hòa về lợi ích. Đối với các chủ ghe thu mua ngoại tỉnh, Công ty hỗ trợ trực tiếp vào giá thu mua nguyên liệu. Chính sách này, giúp người trồng rừng bán gỗ với giá cao, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng sâu, vùng xa.
“Hiện Công ty còn áp dụng chính sách “Quay đầu ghe”, nghĩa là trong một tháng, nếu chủ ghe chở bán trên 3 chuyến, thì từ chuyến thứ 4 trở đi sẽ được Công ty trợ giá thêm từ 20.000 – 40.000 đồng/tấn nguyên liệu. Vì thế, các chủ ghe có sự gắn bó với Công ty, cung cấp nguyên liệu rất đều đặn. Bên cạnh đó, chúng tôi có những nhân viên phụ trách nguyên liệu tâm huyết với công việc, xây dựng được mối quan hệ gần gũi, mật thiết và rất hiểu người dân”, ông Huỳnh Xuân Phong – Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty, cho biết.
Anh Trương Văn Thuận – Chủ ghe cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, cho biết: “Tôi hiện sinh sống tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, chở cây cho nhà máy hơn 3 năm nay. Nói chung, nhà máy thu mua cây của tôi rất đều và ổn định về giá. Đặc biệt, nhà máy có những chính sách hỗ trợ tốt với chủ ghe, còn anh em làm công tác thu mua rất thân thiện, thường xuyên thăm hỏi động viên. Chính điều này mà tôi không bao giờ bỏ nhà máy được”.
Hiện tại ghe của anh Thuận có tải trọng 80 tấn. Nếu tính giá mua cây keo lai tại chủ rừng ở Cà Mau 600.000 đồng/tấn, anh bán lại cho nhà máy 700.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng trên 3 triệu đồng/chuyến. Một tháng trung bình chở khoảng 3 đến 4 chuyến ghe về nhà máy, anh lãi trên 12 triệu.
Trồng và chăm sóc tốt trên 1.000 ha rừng
Ngoài việc trồng và khai thác hợp lý nguồn rừng được giao, Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang đã chủ động phối hợp cùng với địa phương xây dựng hệ thống trồng rừng giao khoán được phân tán trong dân. Tính đến nay, hệ thống này được đánh giá có hiệu quả cao, điển hình là ở tiểu khu 34 xã Đông Hưng B, huyện An Minh bà con đã tiến hành trồng cây tràm Úc từ 2 năm nay. Đây là một tín hiệu đáng mừng về nguồn cung cho nhà máy sau này.
Công ty được địa phương giao trồng rừng nguyên liệu với diện tích dự án 3.902,95 ha. Tại huyện Hòn Đất, Công ty đã trồng phủ kín 1.081,4 ha chủ yếu là cây tràm Úc. Trong đó, cây trồng năm 2014 là 73,3 ha, khoanh nuôi rừng tái sinh 38 ha. Năm 2015, Công ty trồng trên diện tích không sửa líp là 286,5 ha và chăm sóc 113,3 ha. Năm 2016, Công ty trồng thêm 680,1 ha và chăm sóc 359,8 ha, trong đó Công ty hợp tác với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ trồng 56 ha cây keo lai, keo lá tràm và bạch đàn lai. Hiện nay, các diện tích trồng rừng nguyên liệu được đánh giá là thành công vì cây phát triển tốt, đạt độ vanh thân vượt so với dự kiến.
Tính đến nay, Công ty đã trồng và chăm sóc tốt 1.039,9 ha ở rừng sản xuất tại huyện Hòn Đất. Công ty đã tiến hành xây dựng Nhà trung tâm Quản lý và Bảo vệ rừng tại dự án rừng huyện Hòn Đất với đầy đủ các trang thiết bị PCCC, phương tiện tuần tra bảo vệ. Đồng thời xây dựng Nhà điều hành trung tâm tại dự án rừng Hòn Đất, xây dựng các tổ bảo vệ rừng, lập các chốt, chòi canh gác lửa 24/24 ở hầu hết các điểm trọng yếu tại địa bàn rừng trồng.
Với tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn, vận dụng mọi nguồn lực thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao. Thông qua công tác tìm hiểu nhu cầu của thị trường, nhà máy Công ty đã đi vào thực hiện sản xuất các dòng sản phẩm MDF tiêu chuẩn chiếm 68%, MDF chống ẩm 28%, còn lại là phát triển dòng sản phẩm mới như ván Carb, ván HDF. Hiện tại sản lượng của nhà máy đã đạt 95.000 m3/năm, đạt 108% kế hoạch.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>