Tin tức >> Tin cao su trong nước

Hội Nông dân huyện Bù Đăng – “ngôi nhà chung” của hội viên

26/11/2018

 Ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho rằng, một tổ chức mạnh, trước hết phải đông.


 Và để chứng minh cho sự lớn mạnh của Hội Nông dân huyện, ông Hòa cho biết chỉ trong nửa nhiệm kỳ, các cơ sở hội đã kết nạp 7.233 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 17.232 người, chiếm 76% tổng số hộ nông nghiệp, đạt 84,4% chỉ tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Bù Đăng là huyện thuần nông, số dân nông thôn chiếm 93,18% tổng số dân toàn huyện nên vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm. Là tổ chức hội đại diện cho nông dân trong huyện, hội nông dân các cấp ở Bù Đăng đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả hỗ trợ hội viên, nông dân, góp phần thiết thực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên
Hiện trên địa bàn Bù Đăng có 139 trang trại với tổng diện tích 1.413 ha, gồm 93 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi và 4 trang trại tổng hợp... Trong đó, diện tích cây điều 59.500 ha, cà phê 10.165 ha, tiêu 1.937 ha, cao su 31.168 ha và nhiều loại cây trồng khác, cây hằng năm 6.920 ha. Hằng năm, các trang trại giải quyết việc làm cho khoảng 620 lao động thường xuyên và khoảng 2.400 lao động thời vụ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân huyện phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức 1.309 lớp tập huấn, hội thảo khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, thu hút gần 65 ngàn lượt hội viên tham gia. Nhờ triển khai nhiều hình thức chuyển giao khoa học – kỹ thuật và khuyến khích người dân áp dụng, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả, như mô hình đa canh của hội viên Huỳnh Long Hảo ở thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau; vườn 3 tầng của hội viên Nguyễn Khắc Thược ở ấp 2, xã Minh Hưng. Chỉ với 4 ha đất sản xuất, nhờ đa canh và áp dụng khoa học – kỹ thuật đã mang về thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình. Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có khoảng 55.030 con, tăng 8.127 con so với năm 2016; đàn gia cầm 622.400 con, tăng 242.860 con. Những con số nêu trên cho thấy nông nghiệp, nông dân đang đóng vai trò rất quan trọng; kinh tế nông nghiệp là chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của huyện Bù Đăng.
Người dân xã Phú Sơn (Bù Đăng) chăm sóc vườn cà phê - Ảnh: N.Tú
Để hỗ trợ hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, thời gian qua các cơ sở hội đã khai thác các nguồn vốn. Hiện tổng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện quản lý khoảng 3,3 tỷ đồng, đã giải ngân cho 280 hộ vay phát triển kinh tế. Tổng dư nợ từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội 66 tỷ đồng, với 79 tổ tiết kiệm, giải ngân cho 3.323 lượt hộ vay phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Phối hợp tổ chức tư vấn luật, trợ giúp pháp lý được 605 buổi với trên 38 ngàn lượt hội viên tham gia. Với gần 60 ngàn ha điều, Bù Đăng có diện tích điều lớn nhất tỉnh. Niên vụ 2016, dịch bệnh và sâu hại cây điều phát triển trên diện rộng, Hội Nông dân huyện đã chủ động nắm tình hình, kịp thời báo cáo và tham mưu Huyện ủy, UBND huyện giải pháp hỗ trợ nông dân, cứu hộ vườn điều. Nhờ đó, ngoài chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, của tỉnh, Bù Đăng là địa phương duy nhất trong tỉnh có chính sách riêng hỗ trợ người trồng điều bị thiệt hại do dịch bệnh, góp phần hạn chế tình trạng cưa bỏ cây điều.
Trong nửa nhiệm kỳ, các cấp hội đã vận động nông dân giúp nhau bằng việc phổ biến kinh nghiệm làm ăn, mượn vốn, hỗ trợ ngày công, cây – con giống, tạo việc làm. Hội phối hợp các doanh nghiệp cung ứng 5.715 tấn phân bón, 2.485 tấn và 470 lít thuốc bảo vệ thực vật, hơn 16 ngàn cây – con giống, 102 máy nông nghiệp các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm không tính lãi. Vận động hội viên kinh tế khá đóng góp 10,8 tỷ đồng giúp 783 hộ hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất và giúp 4.291 ngày công. Qua đó đã xóa được 31 nhà tạm cho hội viên và giúp 783 hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 3,24%.
Đóng góp hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ năm 2012 đến nay, hội đã vận động hội viên đóng góp 11.285 ngày công, hơn 36,3 tỷ đồng; hiến 1.000m2 đất để làm mới, sửa chữa 445,5km đường giao thông nông thôn; xây 47 cầu, cống, sửa chữa, làm mới 36,9km kênh mương... Những đóng góp tích cực của hội viên, nông dân đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần đưa 2 xã Đức Liễu, Minh Hưng đạt chuẩn NTM và xã Phú Sơn dự kiến về đích vào cuối năm 2018. Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; tích cực huy động các nguồn lực xây dựng và duy trì tốt 16 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn tại địa phương.
Việc thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp cũng là một trong những điều kiện đáp ứng yêu cầu của chương trình xây dựng NTM. Từ năm 2016 đến nay, hội đã thành lập 2 chi hội, 17 tổ hội nghề nghiệp với 475 thành viên tham gia các mô hình nuôi cá, trồng điều, trồng tiêu, dịch vụ nông nghiệp... Các chi, tổ hội này bước đầu hoạt động có hiệu quả. Toàn huyện hiện có 6 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao là HTX Phú Tiến, xã Phú Sơn; HTX Đồng Nai, HTX Bù Sốp, xã Đồng Nai; HTX Tân Hòa, xã Đoàn Kết; HTX Hiệp Thành, xã Bình Minh và HTX Thành Phát, xã Bom Bo. Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp không chỉ giúp hội viên tăng cường liên kết, tương trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy quá trình sản xuất mà còn thu hút hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động hội.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>