Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành cao su trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang khốn đốn vì chậm hoàn thuế VAT hàng trăm tỷ đồng. Những ách tắc trong việc hoàn thuế VAT đối với các DN xuất khẩu cao su tại TP. Hồ Chí Minh xuất phát từ những công văn hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ ngành Thuế.
Ngày 18/01/2022, Tổng cục Thuế có Công văn số 194/TCT–TTKT gửi các Cục Thuế địa phương về việc báo cáo kết quả rà soát thanh tra, kiểm tra hoàn thuế VAT đối với mặt hàng cao su, sắn lát, nông sản. Ngày 07/03/2022, Tổng cục Thuế có Công văn số 633/TCT–TTKT về thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro về hoàn thuế VAT. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các DN trung gian không thuộc địa bàn quản lý thì Cục Thuế thành phố làm công văn gửi Cục Thuế các địa phương có liên quan để rà soát, đối chiếu. Thực hiện chỉ đạo này, ngày 09/03/2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ra Công văn 1694, yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện công tác xác minh, kiểm tra đối với DN F1, F2… đến khâu cuối cùng. Quy định kiểm tra, xác minh các DN trung gian (kể cả DN nhập khẩu ở nước ngoài) đang gây khó và đánh đố các DN do vừa trải qua đại dịch COVID-19, có DN đã ngưng hoạt động hoặc giải thể. Bản thân cơ quan Thuế thực hiện xác minh và kiểm tra các khâu trung gian cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức, DN khó có thể được hoàn thuế trong thời gian 40 ngày theo quy định đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Thời gian hoàn thuế kéo dài không biết đến bao lâu, tùy thuộc hoàn toàn vào quá trình rà soát, đối chiếu hồ sơ của Cục Thuế càng khiến DN phải chờ đợi.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành cao su hằng năm đóng góp trung bình 7 đến 8 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước với ba sản phẩm chính gồm: mủ cao su, sản phẩm công nghiệp từ cao su và gỗ cao su. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD. Trong bối cảnh giá cao su xuất khẩu đang xuống thấp, đầu ra thị trường khó khăn, lãi vay ngân hàng ở mức cao, các DN đều mong chờ khoản tiền hoàn thuế như nguồn tài chính gánh đỡ rất quan trọng giúp DN vượt khó, không buộc phải hạn chế kinh doanh. Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận là một doanh nghiệp xuất khẩu cao su lớn với doanh thu hằng năm trung bình khoảng 24 triệu USD. Mặc dù không nằm trong số các DN được xác định rủi ro cao về thuế nhưng từ năm 2021 đến nay, công ty đang bị “giam” tiền hoàn thuế VAT tới 50 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty đã kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Trong tình cảnh ách tắc tiền hoàn thuế lớn, lại phải trả lãi vay ngân hàng hơn 6 tỷ đồng, công ty phải tạm ngưng hoạt động trong sáu tháng qua vì thiếu vốn.
Mặc dù cơ quan thuế đang triển khai thực hiện các công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế về việc kiểm tra, rà soát các DN có rủi ro về thuế, nhưng Cục Thuế vẫn cần bảo đảm thời gian hoàn thuế đã quy định tại Luật Quản lý Thuế. Những DN xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế cần phải hoàn thuế VAT, nếu có vấn đề gì vướng mắc cần phản hồi rõ ràng cho DN, không để tình trạng dây dưa kéo dài, gây khó khăn cho DN. Để tháo gỡ những bất cập trong công tác hoàn thuế VAT, cơ quan thuế cần xem xét việc phân loại DN, nếu DN có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế thì được hoàn thuế trước theo đúng quy định của Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019. Ngoài ra, Bộ Tài chính quan tâm xem xét có nên tiếp tục thực hiện Công văn số 194, Công văn 633 và Công văn 1694 về việc kiểm tra, xác minh các khâu trung gian, vì nội dung này đã từng triển khai 10 năm trước nhưng sau phải dừng lại vì khó thực hiện. Việc hoàn thuế VAT dựa trên quy định pháp luật Việt Nam và hồ sơ thực tế của DN nhằm bảo đảm tính khách quan và công bằng trong thực thi pháp luật để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, duy trì sản xuất và tăng hiệu quả xuất khẩu.