Tin tức >> Tin cao su trong nước

Ngành cao su săm lốp tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm 2016

29/07/2016

 Năm 2016, ngành săm lốp được đánh giá là có nhiều lợi thế để tăng trưởng nhưng kết quả 6 tháng đầu năm của 3 doanh nghiệp trong ngành đang niêm yết là Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC), Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) lại cho thấy ngành này dường như vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.


 Mặc dù kỳ vọng tăng trưởng, ngành săm lốp vẫn “dậm chân tại chỗ”

Trong năm 2015, cao su thiên nhiên giảm giá mạnh do dư cung trên toàn thế giới. Đến nửa đầu năm 2016, do chịu ảnh hưởng chặt chẽ bởi biến động giá dầu nên giá cao su thiên nhiên có xu hướng tăng lên đáng kể, nhưng nếu xét trong vòng năm 5 gần đây thì mức giá cao su thiên nhiên hiện nay vẫn đang trong giai đoạn giá thấp. Vì vậy, với mức giá cao su thiên nhiên không cao như hiện nay thì vẫn được coi là thông tin tốt đối với các doanh nghiệp ngành săm lốp. Ngoài ra, các nhà máy lốp Radial của DRC và CSM sau thời gian vận hành thử đã bắt đầu cho sản lượng, gia tăng nguồn cung trong nước khi mà nhu cầu lốp Radial nội địa đang tăng.
Do có sự hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực như đã nêu trên, các nhà đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành trong năm 2016. Báo cáo phân tích ngành của nhiều công ty chứng khoán cũng đánh giá khá tốt triển vọng của các cổ phiếu ngành săm lốp. Tuy nhiên, khi Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2016 của CSM, DRC, SRC được công bố gần đây, thì ít nhiều đã gây thất vọng cho nhà đầu tư bởi sự tăng trưởng chậm, không tương xứng với lợi thế và triển vọng của ngành. Cụ thể:
Cao su miền Nam có doanh thu trong quý 2/2016 đạt 807 tỷ đồng, giảm tới 36% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giá vốn/doanh thu giảm nhẹ, do đó lợi nhuận gộp cũng chỉ đạt 176 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Cuối quý 2/2016, CSM đạt 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả 6 tháng đầu năm 2016, CSM đạt 1.491 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% so với nửa đầu năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Cùng chung thực trạng, Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng có kết quả sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý 2/2016 của DRC đạt 888 tỷ đồng, giảm 3%. Lợi nhuận gộp trong quý 2 chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả cuối cùng, Cao su Đà Nẵng đạt 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của DRC đạt 1.634 tỷ đồng, giảm 3% so với 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 198 tỷ đồng, cũng giảm 3% so với cùng kỳ năm 2015.
Cao su Sao Vàng (SRC) cũng không có kết quả khả quan hơn CSM và DRC. Mặc dù chi phí bán hàng tăng 56%, nhưng doanh thu quý 2 của SRC vẫn sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 245 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Công ty đạt 21 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả 6 tháng đầu năm 2016, SRC đạt 444 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên so với 2 doanh nghiệp trên SRC không bị giảm về lợi nhuận sau thuế, nửa đầu năm 2016 SRC đạt 38 tỷ đồng tăng hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với cùng quý năm trước.
Với kết quả kinh doanh trên, các doanh nghiệp của ngành cao su săm lốp vẫn “dậm chân tại chỗ” dù cho đã được hưởng nhiều lợi thế về ngành. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư có lẽ cần xem xét thật kỹ về thực tế cũng như tiềm năng tăng trưởng của ngành trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp cao su săm lốp khi mà áp lực cạnh tranh tranh ngày càng gia tăng.
Áp lực cạnh tranh ngày càng cao
Hiện nay, ngành cao su săm lốp đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Đó là việc các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam dù chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa nhưng vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh về giá của các các sản phẩm từ Trung Quốc. Thêm vào đó là việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết WTO, AFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực mà kéo theo đó sẽ là sự xuất hiện của nhiều nhà máy với quy mô sản xuất lớn, thương hiệu lâu đời sẽ tạo ra những thách thức sống còn cho ngành săm lốp Việt Nam.
Như vậy, các doanh nghiệp cao su săm lốp Việt Nam đang đứng trước nhiều lợi thế và thách thức, các doanh nghiệp phải lựa chọn sẽ tận dụng lợi thế lao vào sân chơi mới để tồn tại và phát triển hay là đứng yên để bị đào thải theo thời gian.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>