Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nghịch lý ở ngành công nghiệp chế biến cao su

26/06/2017

 Mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên, thế nhưng hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một số chủng loại cao su nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất, chế biến. 


 Vấn đề này đặt ra bài toán cân đối lại cơ cấu sản phẩm trong ngành cao su, nhằm hạn chế nhập khẩu cũng như phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc.

Nghịch lý của ngành
Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại Nông trường Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), phần lớn cao su nguyên liệu được nhập về nhằm để kinh doanh tạm nhập tái xuất và một phần đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất lốp xe tại Việt Nam. Chủng loại cao su nguyên liệu được nhập khẩu nhiều nhất là cao su khối TSR 10 và TSR 20.
Đây cũng là 2 chủng loại sản phẩm mà các doanh nghiệp ngành lốp xe hiện có nhu cầu rất lớn, thế nhưng phần lớn lại đang phải nhập khẩu, vì trong nước sản xuất với số lượng ít do giá bán không cao so với chủng loại SVR 3L.
Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cho biết, hiện Casumina đang sử dụng 3/4 lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên có nguồn gốc trong nước, còn lại phải nhập khẩu từ Malaysia hoặc Thái Lan để phục vụ sản xuất loại lốp bố thép cao cấp.
Theo ông Đông, có sự khác biệt về chất lượng cũng như tính năng cao su SVR 10, SVR 20 của Việt Nam với cao su cùng chủng loại của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Khi nghiên cứu sử dụng cao su khối trong nước để sản xuất lốp xe bố thép thì Công ty gặp khó khăn do tính bám dính của bố thép và cao su khá kém. Đây cũng là lý do mà Casumina phải nhập khẩu TSR 10, TSR 20 từ nước khác để sản xuất lốp xe bố thép.
Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất SVR 10, SVR 20 ở trong nước còn khá khiêm tốn, những doanh nghiệp đi sau về sản xuất lốp xe bố thép như Casumina hiện vẫn chưa kết nối được với các nhà sản xuất nguyên liệu để có đủ nguồn cung sản xuất.
Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, ở một số doanh nghiệp sản xuất săm lốp hàng đầu cũng cho thấy, khả năng đáp ứng của cao su nguyên liệu trong nước cho ngành này vẫn còn khá hạn chế.
Cụ thể, đối với Hãng lốp xe Goodyear, cao su Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần SVR 10, trong khi nhu cầu chủ yếu là TSR 20, trên 500.000 tấn/năm. Mặt khác, các nhà máy cao su nguyên liệu tại Việt Nam hầu hết đều có công suất thấp, chưa đáp ứng được độ đồng đều về chất lượng.
Casumina có nhu cầu TSR 10, TSR 20 khoảng 500 tấn/tháng, nhưng phải nhập từ Malaysia. SMR 10, SMR 20 của Malaysia có độ dẻo, độ nhớt thuận lợi cho việc cán luyện, ép xuất, tạo hình, lưu hóa cũng như giảm tỷ lệ phế phẩm nhiều hơn so với nguyên liệu trong nước.
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng cần khoảng 18.000 tấn cao su thiên nhiên hàng năm, chủ yếu là SVR 10, SVR 20, tuy nhiên không tìm đủ nguồn cung nội địa nên buộc phải nhập khẩu. Còn Chengshin, Continential thì phản ánh chất lượng cao su tờ xông khói RSS của Việt Nam chưa bằng các nước nên chưa nhập mặt hàng này của Việt Nam.
Ông Thái Hồng Khang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Cao su thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết, điểm đáng lưu ý khác khiến cao su nội địa ít “ghi điểm”, đó là cách làm khá “tùy hứng” của các doanh nghiệp sản xuất cao su nguyên liệu.
Khi giá cao su tăng cao, các nhà cung cấp nguyên liệu thường dồn toàn bộ cho xuất khẩu mà ít ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đến khi giá sụt giảm thấp thì mới đẩy mạnh ở thị trường nội địa.
Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất lốp xe trong nước khá “đau đầu” và quay ra lựa chọn nhập khẩu thay vì sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài vấn đề chất lượng, thì việc giá cao su SVR 10, SVR 20 trong nước cao hơn giá nhập khẩu cũng là bài toán của doanh nghiệp sản xuất lốp đặt ra hiện nay.
Có nên thay đổi cơ cấu sản phẩm?
Khai thác mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại nông trường Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong cơ cấu cao su nguyên liệu của Việt Nam, hiện chủng loại SVR 10, SVR 20 chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15 – 17%, trong khi nhu cầu sử dụng thực tế lại lên đến 65 – 70%.
Các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước chỉ tập trung vào sản xuất những chủng loại cao cấp có giá bán cao như SVR 3L, SVR CV50, SVR CV60, mà ít quan tâm đầu tư dây chuyền sản xuất SVR 10, SVR 20.
Một trong những nguyên nhân khiến cao su SVR 10, SVR 20 ít được doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu tư, quan tâm, đó là do chênh lệch giá giữa SVR 10, SVR 20 với 3L.
Thống kê của VRA cho thấy, từ năm 2016 đến nay, giá SVR 10 thấp hơn SVR 3L từ 40 – 220 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất SVR 3L sẽ có lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường lại đang “nghiêng” về SVR 10, SVR 20.
Trong ngành sản xuất săm lốp, SVR 3L chủ yếu được dùng để sản xuất săm, tuy nhiên thị trường hiện lại ưa chuộng sản phẩm lốp không săm nên tiêu thụ SVR 3L ngày càng khó khăn.
Dự báo của các chuyên gia cũng cho biết, đến năm 2020, nhu cầu của thế giới về cao su thiên nhiên là 15 triệu tấn, trong đó chỉ có 150.000 tấn SVR 3L. Nếu các doanh nghiệp không giảm sản lượng 3L và vẫn đầu tư mở rộng sản xuất thì có nguy cơ thừa trên 300.000 tấn.
Các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với vấn đề tiêu thụ khó khăn, bị ép giá, yêu sách chất lượng từ người mua…
Trong khi đó ở Việt Nam, tiềm năng của ngành công nghiệp săm lốp trong nước là rất lớn. Hiện số lượng các nhà sản xuất săm lốp xe ở Việt Nam còn khá ít.
Với sự phát triển kinh tế, xã hội và định hướng của Chính phủ mới đây về ngành công nghiệp sản xuất ô tô nguyên chiếc và xuất khẩu lốp xe, thì trong 5 – 10 năm tới, sản lượng săm lốp sẽ tăng lên đáng kể.
Điều này đang đặt ra một hướng phát triển mới cho các doanh nghiệp trong ngành cao su. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư mới dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20 thay vì SVR 3L như trước đây.
Ông Trần Thanh Phụng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, cho biết Công ty đang là đối tác cung cấp nguyên liệu cho các hãng lốp xe lớn như Goodyear, Kumho... Tuy nhiên, sản lượng SVR 10 chỉ chiếm 20 – 25% trong tổng sản lượng của doanh nghiệp. Việc đầu tư thêm dây chuyền để tăng sản lượng SVR 10, SVR 20 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đang được doanh nghiệp cân nhắc và phải tính toán kỹ trong thời gian tới trên cơ sở đảm bảo lợi nhuận.
Việc đầu tư dây chuyền mới để sản xuất cao su SVR 10, SVR 20 đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh mới để tiếp cận với thị trường và lộ trình phù hợp.
Quyết định sản xuất chủng loại nào để hiệu quả nhất theo từng thời điểm là của doanh nghiệp, tuy nhiên việc chuyển đổi này được cho là sẽ hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngành cao su Việt Nam trong thời gian tới.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>