Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nguồn lợi lớn từ chế biến gỗ cao su

21/01/2019

 Cả nước hiện có khoảng 970 ngàn ha cao su, trong đó, Tây Nguyên chiếm hơn 26% với trên 260 ngàn ha. 


 Gia Lai là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất Tây Nguyên với trên 103 ngàn ha. Trong hơn 3 thập niên qua, cao su là một trong các loại cây công nghiệp dài ngày chủ lực của Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương trong vùng. Nhiều vùng đất hoang sơ, cuộc sống cực kỳ khó khăn trước kia nhờ cây cao su đã trở thành những khu dân cư trù phú.

Thế nhưng, giá mủ cao su trong vài năm trở lại đây sụt giảm liên tục khiến doanh nghiệp và người sản xuất dường như không còn mặn mà với loại cây cho ra nguồn “vàng trắng” này. Thậm chí có nơi, người ta không ngại chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác như mắc ca hay chanh dây.
Suy cho cùng, việc nông dân ở một số địa phương tự triệt hạ vườn cao su tiểu điền chẳng khác gì tự tước bỏ đi nguồn thu nhập của mình. Bởi lẽ, cây cao su đâu chỉ cho khai thác mủ, hay nói cách khác, mủ cao su chỉ là một trong các nguồn lợi kinh tế mà loại cây này mang lại. Ngành cao su đã có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đó là ngưng trồng mới để đầu tư thâm canh nhằm tiết kiệm chi phí và tăng cường chế biến sản phẩm từ mủ và gỗ cao su. Hiện toàn ngành có 3 nhóm sản phẩm chính là: nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su. Năm 2017, các nhóm sản phẩm này cho kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,4 tỷ USD. Đặc biệt, ngành chế biến gỗ cả nước đã sử dụng 5,12 triệu m3 gỗ cao su nguyên liệu, trong đó, nguồn cung ứng trong nước đạt trên 5 triệu m3 (chủ yếu là cao su đại điền với 4,69 triệu m3). Trung bình mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su mang lại kim ngạch 1,7 – 1,8 tỷ USD. Các mặt hàng sử dụng gỗ cao su là chính như: đồ gỗ nội thất, ván ép, mộc xây dựng, gỗ dán, gỗ ép… Nguồn cung ứng gỗ cao su chính từ các vườn cao su thanh lý sau 25 – 27 năm khai thác, năng suất mủ không còn hiệu quả kinh tế. Thực ra, việc chế biến các sản phẩm từ gỗ cao su ở Gia Lai không là chuyện lạ khi mà gần 30 năm trước, Xí nghiệp gỗ Hoàng Anh Gia Lai (nay là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) từng có xưởng chế biến tại phường Trà Bá, TP. Pleiku. Sản phẩm chính của đơn vị này lúc bấy giờ là các loại bàn ghế ngoài trời xuất sang thị trường các nước châu Âu và Mỹ.
Theo tính toán dựa vào chu kỳ khai thác cao su thì với 970 ngàn ha cao su trên cả nước hiện nay, bình quân mỗi năm sẽ có khoảng 25 ngàn ha cao su thanh lý, thu được 4,5 triệu m3 gỗ. Như vậy, nếu tăng cường đầu tư sản xuất, chế biến gỗ cao su xuất khẩu thì trong thời gian tới, nguồn cung nguyên liệu không đủ, ắt phải nhập khẩu. Trong khi đó, nếu tính đến diện tích cao su các doanh nghiệp trồng ở Lào và Campuchia thì nguồn cung phải nói là vô hạn. Vấn đề là có đưa được gỗ cao su về chế biến hay không, rồi giá cả có đội lên nhiều vì cước vận chuyển?
Cây cao su không chỉ cho mủ mà còn cho thu hoạch gỗ. Trong giai đoạn giá mủ cao su chững lại, thậm chí có chiều hướng giảm, thiết nghĩ, các doanh nghiệp và những hộ trồng cao su tiểu điền vẫn phải tiếp tục đầu tư cho loại cây này để có nguồn nguyên liệu khai thác và chế biến các sản phẩm từ gỗ cao su. Vì hiện nay và cả trong tương lai, đây vẫn là một nguồn lợi kinh tế không nhỏ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>