Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nông dân miền Tây trở thành công nhân cao su

01/10/2018

 Để chuẩn bị nguồn lao động cho những năm tiếp theo, năm nay, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã thu tuyển lao động ở các tỉnh lân cận, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, chủ yếu ở Đồng Tháp, Kiên Giang lên làm việc.


 Những nông dân vùng đồng bằng sông nước đã quen với đồng áng, nay sang cầm dao cạo mủ cao su không khỏi bỡ ngỡ. Thấu hiểu được điều này, doanh nghiệp đã quan tâm, hỗ trợ để bước đầu giúp người lao động ổn định cuộc sống, an tâm làm việc và gắn bó lâu dài.

Mong sớm ổn định cuộc sống
Ða phần những nông dân quê miền Tây lên làm công nhân cao su đều đã lớn tuổi. Trước đó họ cũng thử qua nhiều công việc khác nhau nhưng phần vì công việc gò bó không hợp với cách làm nông ở quê và tuổi tác, phần vì chỗ làm “đuổi khéo” vì năng suất không bằng lao động trẻ.
Trước khi gia nhập “làng cao su”, vợ chồng anh Lê Quang Huy và chị Nguyễn Thị Yến Linh, quê Kiên Giang đã lên tận Ðà Lạt để làm công nhân trong trang trại rau sạch. Bôn ba mấy năm trời nhưng không có dư dả gì nên hai anh chị quyết định về quê trông đùm tôm mướn. Ðúng lúc đang muốn tìm một công việc ổn định, vợ chồng được cán bộ địa phương giới thiệu về làm công nhân cao su tại Ðồng Nai, thế là anh chị quyết định đi ngay.
Nhiều công nhân từ các tỉnh đến Đồng Nai làm công việc khai thác mủ cao su
Thời điểm mới vào làm việc, anh chị được phân công làm công nhân chăm sóc vườn cây. Vợ anh Huy chia sẻ: “Vất vả cũng quen rồi, hai vợ chồng xác định làm nông thì làm ở đâu cũng cần phải siêng năng, chịu khó mới được. Thời gian đầu cũng khó khăn nhưng may mắn được Tổng công ty, nông trường tạo điều kiện chỗ ở không phải mất tiền thuê, điện nước đều miễn phí, chợ thì gần đây nên cũng đỡ nhiều. Mới lên nên vợ chồng chúng tôi làm trong tổ xây dựng cơ bản, thu nhập bằng 80% so với khai thác. Thu nhập cao là điều ai cũng mong muốn, nhưng mới đầu tôi nghĩ mỗi tháng mỗi người nhận được 6 triệu đồng mà không phải mất tiền nhà, điện nước cơ bản đủ sống, chúng tôi hy vọng khi ổn định ở đây rồi sẽ chuyển hai con lên đây học luôn”. Anh Huy cũng cho biết thêm, anh vừa hoàn thành lớp học khai thác mủ, dự kiến đến cuối năm hoặc sang năm tới anh sẽ đăng ký khai thác mủ còn vợ chăm sóc vườn cây để cải thiện thu nhập gia đình.
Phó Giám đốc Nông trường Cao su Trảng Bom Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết, do đặc điểm địa phương có nhiều khu công nghiệp thu hút lao động trẻ địa phương, công nhân đến tuổi nghỉ hưu nhiều. Ðể chuẩn bị nhân lực cho những năm tiếp theo, Tổng công ty đã tổ chức đi tuyển lao động từ các tỉnh miền Tây, miền Trung về Ðồng Nai làm việc. Trảng Bom là đơn vị đầu tiên được đón công nhân ở các tỉnh đến đây. Riêng khu tập thể này, có nhiều gia đình từ Ðồng Tháp, Kiên Giang, cả miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận... Thời gian đầu, họ có nhiều bỡ ngỡ nhưng đến nay đã bắt nhịp và làm quen. Ban đầu tất cả công nhân mới đều được bố trí chăm sóc vườn cây. Tuy nhiên, qua lớp học khai thác mủ, nhiều công nhân đã biết khai thác và xin chuyển sang khai thác mủ.
Ở khu tập thể, công nhân được hỗ trợ tối đa các chi phí. Mọi người sống rất đoàn kết, cán bộ nông trường, Công đoàn, Ðoàn thanh niên cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần người lao động. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng những công nhân tại đây luôn cố gắng và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn. Mong rằng vào tương lai không xa, họ sẽ là những công nhân lành nghề, có cuộc sống tốt đẹp hơn khi trở thành công nhân cao su.
Quỳnh Mai, trích nguồn: http://laodongdongnai.vn/Xahoi/Phong-su/6F2454/nong-dan-mien-tay-tro-thanh-cong-nhan-cao-su.aspx, ngày 26/9/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>