Tin tức >> Tin cao su trong nước

Phát triển các ngành nghề có triển vọng để tăng doanh thu, lợi nhuận

15/07/2019

Tập trung đầu tư các ngành nghề, sản phẩm có triển vọng cao, phù hợp với xu hướng của thị trường để tăng doanh thu, lợi nhuận trong thời gian tới. Đó là mục tiêu phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), được lãnh đạo các Bộ ngành và cổ đông thống nhất cao. 


Chế biến gỗ tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng. Ảnh: Bình Nguyên
Tại buổi làm việc với VRG vừa qua, ông Cao Đức Phát – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá cao những mục tiêu, chiến lược và định hướng phát triển cụ thể của Tập đoàn trong thời gian tới.
Trong đó, Tập đoàn xác định việc đẩy mạnh đầu tư vào các ngành nghề được Chính phủ cho phép để tăng doanh thu, lợi nhuận xứng đáng với quy mô của Tập đoàn. Về cơ cấu sản phẩm sẽ thay đổi theo nhu cầu thị trường theo hướng tiếp tục giảm tỷ lệ mủ SVR 3L (chiếm 17%); tăng tỷ lệ mủ SVR 10,20 (chiếm 58% vào năm 2025). Xây dựng mới các nhà máy chế biến phục vụ cho cụm nhằm giảm chi phí đầu tư, thuận lợi trong việc điều phối sản xuất. Đồng thời, phát triển sản phẩm mang thương hiệu VRG, phấn đấu đến năm 2022, 100% sản phẩm của Tập đoàn đạt chất lượng thương hiệu VRG.
Trong lĩnh vực chế biến gỗ cao su, đây là lĩnh vực có biên lợi nhuận khá tốt, đặc biệt có cơ hội phát triển trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su sẽ tăng. Chính vì vậy, VRG ưu tiên phát triển các sản phẩm gỗ tinh chế và các sản phẩm mới sử dụng phụ phẩm ngành gỗ.
Những năm gần đây, hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) đầu tư trên đất cao su có hiệu quả tốt, ổn định và nhiều tiềm năng, có đóng góp lớn trong nguồn thu của Tập đoàn. Ông Phạm Văn Thành – Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn cho biết: “Với tiềm năng về quỹ đất, Tập đoàn xác định đây là lợi thế cốt lõi để phát triển. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ mở rộng hoặc mở mới các KCN để duy trì và gia tăng nguồn thu. Tại các vùng KCN truyền thống thuộc địa bàn Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng các KCN hiện hữu, phát triển thêm các KCN tại các đơn vị thuộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ”.
Cây giống chuối cấy mô tại dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Anh Quân
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là một trong những ngành nghề được Tập đoàn đặt kỳ vọng đem lại hiệu quả cao. Từ những kết quả khả quan bước đầu, Tập đoàn sẽ đầu tư mạnh về lĩnh vực này theo hình thức tự thực hiện hoặc liên doanh liên kết.
Thực hiện mô hình thí điểm trước khi triển khai đại trà để thu hút các nhà đầu tư thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.
Riêng ngành công nghiệp sau chế biến, theo dự báo của một số chuyên gia ngành săm lốp, trong giai đoạn ngắn hạn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 3 – 4%. Riêng thị trường Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%, trong giai đoạn 2018 – 2020. Đối với Tập đoàn trong giai đoạn này tăng sản lượng mủ khoảng 310.000 – 390.000 tấn/năm sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành săm lốp, tập trung định hướng các chủng loại. Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm lốp xe mang thương hiệu VRG bao gồm lốp xe tải và phát triển dòng lốp xe máy theo hình thức liên doanh sản xuất.

Minh Nhiên, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/phat-trien-cac-nganh-nghe-co-trien-vong-de-tang-doanh-thu-loi-nhuan.html, ngày 10/7/2019 (TH trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>