Tin tức >> Tin cao su trong nước

Sông Hinh (tỉnh Phú Yên): Duy trì phát triển cây cao su

10/09/2018

 Trong khi các loại cây trồng như mía, tiêu, cà phê thất thế do giá cả hoặc sản lượng thấp, cây cao su đã và đang giúp người dân Sông Hinh vượt qua khó khăn trong cuộc sống, sản xuất.


 Thu nhập ổn định

Từ năm 2016, vườn cao su rộng 2 ha của gia đình ông Vũ Phong ở thôn Ea MKeng, xã Ea Bar bắt đầu vào kỳ kinh doanh. Năm nay, vườn nhà ông vào mùa khai thác thứ ba. Toàn bộ công việc từ cạo mủ, trút mủ, chở đến nhà máy ông đều khoán cho người làm thuê. Cuối tuần, ông chỉ việc đến nhà máy cộng sổ, lấy tiền, trả công. Đều đặn từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi lần cạo, ông thu lời 500.000 đồng, mọi người nói vui rằng đây là “cây ATM” hiệu quả cao của gia đình. Ông Phong cho biết: Với quy cách d2 (cứ hai ngày một lần cạo), mỗi lần thu được 120 kg mủ nước đã mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp gia đình yên tâm tiếp tục đầu tư, chăm sóc các cây trồng khác được tốt hơn.
Ông Phạm Quảng ở khu phố Ngô Quyền, thị trấn Hai Riêng cũng đang khai thác 1.000 cây cao su, tương đương gần 2 ha. Tận dụng công nhà, hai cha con thực hiện từ khâu cạo, trút và đem mủ đến nhà máy, cứ hai ngày một lần, hôm nào nhiều được 110 kg mủ nước, hôm ít cũng được 90kg; số tiền thu về bình quân 800.000 đồng. Ông Quảng cho hay: Ngoài cao su, gia đình tôi hiện có hơn 2 ha tiêu, vụ vừa rồi thu được 2,5 tấn, bán với giá 60.000 đồng/kg, số tiền thu về chưa đủ để chi phí chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Rất may nhờ cây cao su cho thu nhập hàng ngày nên chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống, chăm lo con cái học hành.
Không chỉ giúp những người trồng, mà cây cao su còn giúp cho nhiều người chuyên cạo mủ có được nguồn thu nhập ổn định. Theo ông Hai Hóa ở xã Ea Ly, một người chuyên cạo mủ thuê, ông đang cạo mủ thuê cho 2 vườn cao su tại địa phương, bình quân mỗi ngày ông có thu nhập 350.000 đồng. Công việc này tuy vất vả vì phải dậy từ rất sớm, nhưng đổi lại thu nhập khá.
Hiện nay, toàn huyện Sông Hinh có khoảng 3.000 ha cao su, trong đó có 2.500 ha đang trong chu kỳ khai thác mủ. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Chất lượng mủ cao su trên vùng đất Sông Hinh đã được khẳng định tốt trong nhiều năm qua, năng suất duy trì khoảng 1,8 – 2 tấn/ha/năm. Tính trung bình một năm, cây cao su vẫn cho thu nhập không dưới 30 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với cây sắn, mía.
Kiên trì phát triển cây cao su
So với năm trước, giá mủ cao su năm nay thấp hơn nhưng cây cao su vẫn có vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân Sông Hinh. Ông Nguyễn Ngọc ở xã Ea Bar trồng được 1,5 ha cao su và chính loại cây này đã giúp gia đình ông thoát nghèo. “Năm nay cao su không được giá, tôi áp dụng khai thác mủ kiểu d3 (cứ 3 ngày cạo một lần), vừa có thu nhập, vừa dưỡng sức phục hồi cây cao su bị ảnh hưởng bởi gió bão. Với những hộ có kinh tế trung bình như gia đình tôi thì cây cao su rất phù hợp, chi phí đầu tư hàng năm thấp, thu nhập ổn định, nếu tận dụng công nhà thì vừa có tiền công vừa có lãi”, ông Ngọc nói.
Theo UBND xã Ea Bar, là địa bàn có diện tích cao su nhiều nhất huyện với 2.000 ha, tuy có lúc thăng trầm nhưng cao su vẫn được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài việc đầu tư, chăm sóc, người dân tiếp tục xuống giống nhiều diện tích cao su mới với kiến thiết vườn bài bản, tiêu biểu như hộ ông Giãn Tư Nhàn, bà Hồ Thị Sơn ở thôn Ea MKeng. Tại các vườn này, các gia đình áp dụng trồng xen canh với nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác như sắn, bắp nên vẫn đảm bảo thu nhập; một số hộ khác có vườn cao su đã đến thời kỳ thanh lý bán lấy gỗ, mỗi hecta thu về từ 100 – 200 triệu đồng. Phần lớn diện tích này cũng được các hộ quy hoạch đầu tư cho cây cao su sau vài vụ luân canh các cây trồng khác. Đáng chú ý năm 2018 này, nhiều hộ ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã đăng ký nhận hỗ trợ giống cây cao su để trồng từ nguồn xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Điều này cho thấy cao su vẫn là cây ưu tiên được người dân lựa chọn cho việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết: Năm 2018, người trồng cao su trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do dư âm ảnh hưởng của cơn bão số 12, hạn hán kéo dài, gió Nam mạnh... Mặc dù vậy bà con nông dân vẫn kiên trì chăm sóc, bón phân, chủ động khai thác hợp lý cây cao su, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, hỗ trợ người dân phòng trừ sâu bệnh, phục hồi những vườn bị ảnh hưởng do bão, giúp cây cao su phát triển bền vững.
Văn Thùy, nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/82/206787/song-hinh--duy-tri-phat-trien-cay-cao-su.html, ngày 03/9/2018 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>